HÌNH 4

Thông tin Y dượcChuyện ăn chuyện uống

Chuyện ăn chuyện uống: ĂN XẢ LÁNG – NGUY HIỂM.

       Nhu cầu dinh dưỡng là cần thiết để đề phòng các biểu hiện lâm sàng do thiếu dinh dưỡng. Giữa dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe có liên quan chặt chẽ với nhau. Thực tế cho thấy, dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh chưa được chú trọng, kể cả ý thức của người dân cũng như việc phục vụ tại các bệnh viện.

       Với chứng bệnh đái tháo đường týp II, khuyên nên ăn theo chế độ riêng để khống chế đường huyết, đề phòng các biến chứng tổn thương vi mạch (mắt, chi, tim, thận…). Nguyên tắc điều trị bằng dinh dưỡng là đủ đạm, béo, bột, vitamin và các chất khoáng, đủ nước. Các loại thực phẩm cần lưu ý là giảm gạo, mì, ngô, khoai, không nên ăn miến và những sản phẩm chứa cholesterol như óc và các loại phủ tạng, nên dùng dầu thay mỡ. Đặc biệt, đối với bệnh nhân đái tháo đường, cần chia bữa ăn ra nhiều lần để chống tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói.

       Dù được chỉ dẫn rõ ràng như vậy, song do thói quen nhiều người vẫn ăn nhiều cơm mỗi ngày và thèm chất béo từ mỡ động vật. Đến khi bệnh nặng, bạn mới thấy hối hận vì cách ăn “xả láng” của mình.

       Cũng đã có trường hợp bệnh nhân nhiều lần phải đi cấp cứu vì tăng huyết áp đột ngột. Quan niệm “uống thuốc thật uổng tiền. Bởi thuốc thì cứ uống hàng ngày mà ăn uống không chịu tuân thủ theo chế độ. Bác sĩ dặn phải ăn nhạt, nhất là với những người quá béo, đặc biệt không nên hút thuốc, không nên dùng nhiều thịt mỡ, các loại phủ tạng động vật, nước chè đặc, cà phê, thức ăn mặn và đường các loại. Nghe lời bác sĩ được vài ngày, sau đó “phá luật”. Nấu canh hơi nhạt, khi ăn cho thêm mắm. Rồi tiệc tùng tiếp khách hay khi có đám cưới hay bạn bè rủ rê, lại ăn thật nhiều thức ăn có chất béo và uống nhiều rượu, bia. Thực tế có nhiều người chết vì ăn uống không kiêng cữ khi mắc bệnh, nên rất lo.

       Dinh dưỡng không hợp lý ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị bệnh. Bởi thực tế có nhiều bệnh nhân đã dùng thuốc theo phác đồ điều trị, song bệnh vẫn không thuyên giảm. Nguyên nhân chính ở đây là người nhà tự quyết định chế độ ăn cho người bệnh. Bệnh viện chưa bắt buộc bệnh nhân và người nhà tuân thủ chế độ ăn trong khi điều trị nội trú mà chỉ tư vấn và nhắc nhở. Một số bệnh viện ở các tỉnh, khi người bệnh vào nằm viện phải đóng trước tiền ăn theo chế độ để bệnh viện phục vụ. Có như vậy mới đảm bảo cho việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao. Bệnh viện có tư vấn, hướng dẫn và thông báo chế độ ăn để người nhà biết liên hệ. Sau khi ra viện, người bệnh được tư vấn để tiếp tục thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý tại nhà. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai đến bệnh viện cũng biết ở đây có phục vụ nhu cầu này. Do đó, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa vì khi không có sự hướng dẫn, giải thích tại khoa đón người bệnh thì họ khó mà biết được bệnh viện có khoa Dinh dưỡng.

       Phần lớn tại các  bệnh viện tuyến huyện, tỉnh hay thành phố hiện cũng chỉ tư vấn dinh dưỡng chứ chưa có khoa Dinh dưỡng để phục vụ bệnh nhân khi nằm viện. Điều này ảnh hưởng lớn trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.

 

       UỐNG XẢ LÁNG THÌ … SAO?

 

       Rượu bia như là con dao hai lưỡi. Rượu bia mang lại cho con người bao nhiêu ích lợi thì cũng mang đến cho con người bấy nhiêu sự phiền toái. Nếu chúng ta biết cách sử dụng thì rượu bia rất có ích. Nhưng một khi đã phụ thuộc nó thì sẽ lắm điều đáng tiếc xảy ra. Rượu bia còn là một trong những nguyên nhân gây bệnh xơ gan.

       Uống rượu, bia không phải là một thói xấu, vì rượu là một yếu tố kích thích làm ngon miệng hơn, các buổi tiệc sôi động hơn do mọi người hưng phấn hơn. Rượu uống đúng liều hàng ngày có thể có lợi vì làm giảm tỷ lệ một số bệnh như nhồi máu cơ tim, cơn đột quỵ não, sỏi mật và cả bệnh Alzhelmer. Nhưng nếu chúng ta lạm dụng nó, uống qúa liều hay là bị lệ thuộc (nghiện) thì tác hại của rượu thật là khủng khiếp. Rượu gây nhiều tác hại đến các cơ quan quan trọng như gan, tụy, dạ dày, não, thần kinh ngoại biên, tủy xương, tim, thận, phổi, khớp.

      Rượu còn gây nên tình trạng say (quá chén) và nghiện làm ảnh hưởng xấu đến nhân cách, là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông, gây bạo hành trong gia đình, phạm pháp ngoài xã hội.
       Gan là cơ quan chuyển hóa các chất nên bị tác hại trực tiếp.

 

       LỠ XỈN THÌ … SAO?

       PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU… XỈN.

 

       Dù biết rượu bia có hại cho sức khỏe song vào ngày có tiệc tùng liên hoan, bạn khó từ chối khi được mời, và dễ dẫn đến quá chén. Một số mẹo nhỏ sẽ giúp “cứu nguy” trong trường hợp này.

       Uống nước:

            + Uống nhiều bao nhiêu? Nhiều bằng lượng rượu bạn đưa vào cơ thể. Một hình thức hết sức đơn giản để lọai rượu trong cơ thể bạn một cách nhanh nhất.

       Sau những lần chè chén say sưa, lượng cồn trong máu tăng gây ra đau đầu; đồng thời các chất alcohol kích thích sự lợi tiểu, cơ thể sẽ thải nước ra ngoài liên tục. Khi đó, bạn sẽ có cảm giác khô khát, đắng miệng vì thiếu nước. Uống nước nhiều sẽ giúp ích cho bạn vượt qua tình trạng này.


       Bổ sung vitamin B:

          +  Bổ sung vitamin B sau mỗi lần quá chén cũng góp phần đào thải lượng cồn ra khỏi cơ thể. Bạn có thể dùng các loại vitamin tổng hợp, dạng viên sủi có bán ngoài thị trường.

     

       Bổ sung cả vitamin C:

          +  Khi gan của bạn phải chịu đựng chất độc có trong rượu, hàng triệu gốc tự do được hình thành góp phần tạo ra một chuỗi những tác hại từ việc quá chén. Một trong những số enzyme chống ôxy hóa của gan là Glutathione nhanh chóng bị suy yếu. Kết quả là tác hại của các gốc tự do gây ra cho gan tăng lên (nếu uống quá chén trong một thời gian dài sẽ gây tổn hại gan nghiêm trọng, dẫn đến căn bệnh cơ gan rất nguy hiểm). Các chất chống oxy hóa như vitamin C có thể phần nào giúp bạn chống đỡ được các tác hại của rượu.

       Khi quá chén, cần uống vitamin C 3 lần/ ngày hoặc uống nhiều loại nước trái cây có vitamin C như cam, chanh... Các loại nước trái cây này còn cung cấp thêm kali, đường tự nhiên giúp tăng lượng đường cần thiết mà cơ thể bị thiếu hụt khi say rượu.

       

       Trà atisô và nước chè đặc:

           + Bông atisô giàu chất chống ôxy hóa, bảo vệ các tế bào gan khỏi sự tấn công của các chất độc trong rượu bia mỗi khi quá chén. Nó giữ cho các enzyme chống ôxy hóa của gan không bị tụt xuống thấp. Khi có cảm giác khó chịu vì uống quá chén, hãy uống nước bông atisô đã nấu chín và hãm như trà hoặc các loại trà atisô đóng gói. Trong chè có axit tanin có thể khử độc cồn cấp tính.

       Không nên uống rượu chung với những chất có gaz (bia, coca cola...) chúng làm tăng sự hấp thu rượu vào cơ thể, tăng nồng độ CO2 trong máu.

       Bất kỳ mẹo giải rượu nào thì cũng chỉ giúp bạn phục hồi khi bị quá chén, hoàn toàn không tránh hết các tác hại của rượu bia.

 

       .MEDIC ĐÔNG TÂY.