HÌNH 4

Thông tin Y dượcDoanh nhân khỏe

THỨC KHUYA HY SINH SỨC KHỎE ĐỔI LẤY THỜI GIAN.

 

       Nói đến doanh nhân, chúng ta thường thấy đó là hình ảnh của mẫu người năng động, luôn săn tìm mọi cơ hội, các chuyến công tác, giao tiếp nhiều, công việc luôn được ưu tiên giải quyết trước hoạt động của cá nhân và gia đình…

       Sự đam mê công việc, đam mê tìm cơ hội, đánh giá đúng, xử lý tối ưu công việc là chìa khóa cho sự thành công của một doanh nhân. Sau một đêm, bạn có thể thành tỷ phú; sau một đêm, bạn có thể trắng tay. Điều đó có thể xảy đến khi bạn có “máu” kinh doanh. Thức khuya để tăng thời gian tìm cơ hội, để đuổi kịp hoặc vượt qua một cơn lốc giá cả thị trường. Thức khuya để lập cho hoàn chỉnh kế hoạch kinh doanh cho kịp sự biến động của thị trường. Thức khuya để… có vô vàn lý do để doanh nhân ngủ trễ thậm chí “trắng đêm”. Tuy vậy, doanh nhân có để ý rằng: khi họ thức khuya, họ đang hy sinh sức khỏe của bản thân?

       

       Đối với công nhân làm ca đêm, họ có thời gian để ngủ bù, nghỉ ngơi nhằm hồi phục sức khỏe. Nhưng đối với doanh nhân thì sáng hôm sau lại có công việc cần giải quyết gấp, thực hiện ngay ý tưởng, kế hoạch nên việc ngủ bù nhằm phục hồi sức khỏe thường ít được thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời. Ngủ không đủ làm cơ thể chúng ta luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, sức khỏe không tốt dễ làm tính tình nóng nảy, dẫn tới sa sút tinh thần, thiếu minh mẫn, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm xuống, dễ bị cảm cúm, viêm đường tiêu hóa, di ứng… Khi thường xuyên thức khuya thì ngày hôm sau đi làm cơ thể sẽ phản ứng qua việc đầu óc căng thẳng, không tập trung được tư tưởng, bị đau đầu, chóng mặt, huyết áp, đường huyết, tim mạch có thể không ổn định. Đồng hồ sinh học của cơ thể không chịu ảnh hưởng của ánh đèn và thời gian, nhất là những nội tạng như tim do đó nếu dù ban ngày đã nghỉ ngơi để đến tối có thể thức khuya và nếu như thường xuyên thức khuya, tỷ lệ mắc bệnh tim cũng tương đối cao.

       Khi thức khuya bạn cảm thấy mệt mỏi thì ăn "đêm" là sự tiếp sức cho bạn. Tuy nhiên ăn đêm sẽ gây nguy cơ cho dạ dày bị viêm loét, rối loạn tiêu hóa. Sức sống của những tế bào trên niêm mạc dạ dày không dài, bình quân khoảng 2 - 3 ngày lại đổi mới một lần. Quá trình tái tạo sự sống này thường là diễn ra vào ban đêm khi đường tiêu hóa được nghỉ ngơi. Nếu như thường xuyên ăn vào ban đêm thì việc tái sinh tế bào niêm mạc dạ dày không thể diễn ra một cách thuận lợi. Mà sau khi ăn khuya, làm xong việc bạn đi ngủ với cái dạ dày có thức ăn thì tức là dạ dày không được nghỉ ngơi như bạn đang ngủ. Lúc đó, hoặc những ngày sau dù bạn đã đi ngủ, dù bạn không ăn đêm thì theo phản xạ, vào lúc khuya, dịch vị dạ dày vẫn tiết ra nhiều, sẽ kích thích niêm mạc, lâu ngày, dễ dẫn đến viêm loét dạ dày.

       Ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến khả năng biến đổi carbonhydrate của cơ thể. Việc biến đổi này kích thích sản xuất insulin và gia tăng lượng đường trong máu có thể dẫn đến hại thận, nguy cơ bệnh tiểu đường.

       Thiếu ngủ sẽ khiến cho mạch máu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, không cung cấp đủ máu cho tai giữa gây ảnh hưởng rất lớn đến thính giác sẽ có thể bị điếc sớm trước lúc tuổi già.

       Nguy cơ béo phì cũng rất cao nếu bạn có giấc ngủ không điều độ. Thiếu ngủ gây hiện tượng thiếu leptin - một loại hoóc môn có chức năng thông báo khi ta đã no. Khi thiếu leptin, bạn sẽ luôn có cảm giác thèm ăn và liên tục đòi ăn. Do đó, béo phì là hiện tượng khó tránh khỏi. Cứ ăn sau 8 giờ tối, thì tức là ăn đêm. Trong cơ thể con người có hai loại thần kinh là thần kinh giao cảm và thần kinh giao cảm phụ. Khi ban ngày cơ thể hoạt động sôi nổi, thần kinh giao cảm sẽ giúp cho dạ dày co bóp mạnh, trợ tiêu hóa và hấp thu. Đêm đến, thần kinh giao cảm phụ hoạt động sôi nổi, trong lúc cơ thể được nghỉ ngơi, cũng tích lũy những dinh dưỡng đã hấp thu trong cơ thể. Nếu như ăn vào ban đêm, không những khó ngủ, mà sáng hôm sau ăn cũng không ngon miệng, như vậy, gây mất cân bằng dinh dưỡng cũng dẫn đến béo phì.

       Thức khuya tất nhiên không có lợi cho làn da. Việc tái tạo da diễn ra mạnh mẽ nhất vào ban đêm, lúc ngủ lượng máu lưu thông cũng đầy đủ hơn. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với làn da và sắc đẹp con người. Bạn dùng mỹ phẩm hay chọn cách ăn uống nào cũng không so được với tác dụng bảo vệ sắc đẹp bằng giấc ngủ. Thường thì da ở trong trạng thái nghỉ và dưỡng sức từ 10 đến 11 giờ đêm, khi ngủ ngon, làn da có thể tiến hành chuyển hóa các chất, xảy ra vào thời điểm 1 - 2 giờ sáng. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn sự tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, sạm, nổi mụn… Quan trọng hơn là khi làn da đã bị lão hóa thì cũng rất khó phục hồi.

       Như vậy, việc tránh thức khuya đương nhiên là có lợi cho cơ thể. Nhưng nếu đã thức khuya thì bắt buộc phải “gỡ gạc” cho sức khỏe của bản thân bằng quá trình nghỉ ngơi ngay khi có thể. Doanh nhân là những người nghỉ ngơi thường không có quy luật, thiếu điều độ nên việc muốn hồi phục sức khỏe lại không đơn giản.

       Trước hết, trong khi thức khuya nên nhớ bù nước cho cơ thể. Không nên nghĩ việc bù nước thông qua việc uống cà phê, nước ngọt, nước có ga vì sẽ không bù được bao nhiêu nước lại phản tác dụng như dễ dẫn đến béo phì, đau bao tử, hại tim mạch… như đã kể trên. Bạn cứ uống nước suối, nước đun sôi là tốt hơn cả. Nước ép trái cây, rau quả cũng tốt do vừa giúp bạn bù nước lại có ít năng lượng cho “đỡ đói” nhưng không nên uống nước trái cây có chất chua, nhiều vitamin C, nước trà đậm lúc khuya vì không tốt cho dạ dày lại làm bạn khó ngủ, trằn trọc khi đã xong việc.

       Sáng hôm sau mỗi buổi thức khuya, bạn nên ăn đủ dinh dưỡng để có tinh thần minh mẫn trở lại. Tuyệt đối không vì quá vội lại nhịn đói hay ăn cho qua bữa. Nếu bữa sáng dùng nhiều thức ăn có tinh bột hay quá nhiều chất béo mà bạn ngủ bù ngay thì bạn mau béo phì; mà nếu bạn tiếp tục công việc thì cơ thế bạn sẽ mệt hơn, uể oải, cơn buồn ngủ lại ập tới. Bạn nên ăn nhiều đạm, rau, củ, quả. Ví dụ như một bữa sáng có thịt bò, thịt heo nạc, trứng với rau tươi, chỉ một ít bánh mì (cơm, bánh phở, bún) và cuối cùng là chuối (táo, lê, dưa hấu) tráng tráng miệng.

       Bên cạnh bồi dưỡng cơ thể qua đường dinh dưỡng thì các hoạt động bơi lội, tắm nước nóng, mát sa, bấm huyệt, đắp mặt nạ… luôn giúp bạn lấy lại được phần nào sức khỏe đã mất trong thời gian thức khuya.

       Nếu bạn đã dùng sức khỏe để đổi thời gian hưởng sự đam mê bản thân. Bạn đã đánh đổi sức khỏe để lấy thời gian làm việc. Bạn đang mất đi cái mà “Có vàng cũng không mua lại được”: SỨC KHỎE. Hãy cân đối giữa công việc – niềm đam mê – sức khỏe sao không là người bị “LỖ” bạn nhé.

 

       

 

 

 

       Bài viết liên quan:

       - Stress & sức khỏe.

       - Không vui không khỏe, không khỏe không vui.

       - Doanh nhân làm gì để phòng stress?

       - Dưỡng tâm DOTA tác động lên stress theo cơ chế nào?