HÌNH 4

Thông tin Y dượcTim - mạch - bệnh chuyển hóa - tai biến mạch máu não

ĐAU KHỚP TUỔI TRẺ CẦN BÁO ĐỘNG BỆNH TIM.

 

       Thời tiết lạnh và ẩm là lúc các chứng đau khớp khởi phát rầm rộ, đau khớp ở trẻ em và người trẻ lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ “Bệnh thấp” .

       “Le RAA lèche le genou et mord le coeur” đây là một câu Y khoa kinh điển nói về Bệnh Thấp, nó chỉ liếm qua khớp gối, mà cắn nát trái tim bằng các bệnh van tim hậu thấp.

 

       Bệnh Thấp (Rheumatic  disease) là một bệnh tự miễn, xảy ra sau viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết  nhóm A, gây tổn thương ở mô liên kết nhiều cơ quan, đặc biệt là tim và khớp.

       Bệnh Thấp được 18 môn đồ của Hippocrates dùng để chỉ một số bệnh có liên quan đến khớp vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Ngày nay thấp là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh tim mắc phải ở trẻ em và người trẻ tuổi ở các nước đang phát triển, trong đó có VIỆT NAM.

 

       Tìm hiểu các nguy cơ của bệnh thấp:

       Lứa tuổi thường gặp nhiều nhất là 5 – 15 tuổi.

       Bệnh dể phát vào mùa đông và mùa xuân, lúc thời tiết còn lạnh và ẩm.

       Môi trường sống kém vệ sinh, điều kiện ăn ở chật chội, đông người, thiếu ăn, vệ sinh cá nhân kém, thiếu chăm sóc sức khỏe ban đầu… là các yếu tố làm cho bệnh thấp phát triển.

 

       Đau khớp do bệnh thấp có đặc điểm gì phân biệt với các bệnh khớp khác?

       (Viêm khớp mủ, lao khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do siêu vi…)

       Tổn thương ở khớp do thấp biểu hiện từ nhẹ chỉ có đau khớp đến nặng: sưng, nóng, đỏ, đau… Thấp khớp thường gây viêm nhiều khớp lớn như đầu gối, khuỷu tay, cổ tay, cổ chân. Đặc biệt là hiện tượng viêm chỉ thoáng qua, di chuyển nhanh từ khớp này sang khớp khác, đôi khi có dịch lượng ít, tự khỏi sau 5 – 10 ngày, không để lại di chứng (không biến dạng khớp, không cứng khớp, không teo cơ) bệnh nhân có thể bị đau không đi được trong vài ngày rồi tự hết dù không điều trị.

 

       Viêm khớp do thấp liên quan đến bệnh tim?

       Dù biểu hiện thoáng qua, lành tính ở khớp thoạt đầu có vẻ không quan trọng nhưng Thấp gây tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong trong đợt thấp cấp tính hoặc để lại di chứng vĩnh viễn ở van tim: hở van hai lá, hẹp van hai lá, hở van động mạc chủ, hẹp van đông mạch chủ... làm cho người bệnh trở thành tàn tật suốt đời.

 

       Biện pháp giúp điều trị bệnh:

       Nghỉ ngơi tại giường là bước cần thiết đầu tiên để giúp bệnh ổn định và phục hồi, vì vậy, cần nhập viện khi mới phát hiện bệnh để được trị liệu phù hợp.

       Liệu pháp kháng sinh, kháng viêm và các trị liệu hỗ trợ theo diễn tiến bệnh do bác sĩ chuyên khoa quyết định sẽ giúp hạn chế tổn thương ở tim tiến triển và lành bệnh nhanh hơn.

       Thấp khớp không có viêm tim thì hồi phục 100%, viêm tim nhẹ mà điều trị và phòng ngừa tốt thì không bị thấp tái phát và không di chứng. Viêm tim nặng, thấp tim mà trị liệu và phòng ngừa không tốt sẽ dẫn đến hẹp - hở các van tim, suy tim, gây tàn phế suốt đời và tử vong.

 

       Hiện nay, cả thế giới đang tìm cách chặn đứng căn bệnh nguy hiểm này.

       Tái phát là đặc điểm của bệnh thấp, thường xảy ra trong vòng 5 năm sau đợt thấp đầu tiên và ít dần từ năm thứ sáu trở đi, nguy cơ viêm tim nặng gây tử vong hoặc các tổn thương ở tim tiến triển làm nổi bật sự cần thiết của phòng ngừa bệnh tái phát.

       UỶ BAN PHÒNG CHỐNG PHONG THẤP của Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo nên áp dụng biện pháp phòng thấp bằng kháng sinh thông qua chương trình phòng thấp tiên phát và thứ phát hiện nay được nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt nam) thực hiện có kết qủa rất tốt.

 

       CA LÂM SÀNG

       Chị Tâm 38 tuổi, nghề buôn bán.

  • Năm 14 tuổi chị khởi phát viêm họng rồi đau khớp gối trái - chuyển sang đau gối phải kèm mệt, nhập viện nhi đồng bác sĩ cho biết chị bị thấp hở van tim 2 lá và cần theo dõi lâu dài. Hàng tháng chị đến bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên vì kế sinh nhai, chị điều trị không đều & bỏ hẳn khi không cảm thấy khó chịu.
  • 8 năm sau bệnh thấp tái phát nặng, đau gối, mệt vùng tim nhiều, khó thở và không thể làm việc nổi, lúc này chị được biết bệnh mình biến chuyển sang hẹp van 2 lá khít kèm hở van 2 lá, để có thể tiếp tục lao động bác sĩ khuyên chị cần điều trị bằng nong van tim hoặc phẩu thuật thay van 2 lá.
  • Năm 32 tuổi, chị đã trải qua 3 ngày nằm ở bệnh viện để được nong van, hiện nay chị đã khỏe nhiều, lao động được và vẫn tái khám theo dõi đều đặn.

       Chị muốn chia sẻ cảm giác và những điều trải nghiệm về bệnh của mình với tất cả những ai đang bị thấp tim: hiểu biết và theo dõi phòng thấp đều đặn sẽ giúp bạn hạn chế được căn bệnh nguy hiểm này.

 

 

        .MEDIC ĐÔNG TÂY.