HÌNH 4

Thông tin Y dượcTim - mạch - bệnh chuyển hóa - tai biến mạch máu não

CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG




     Ở các bài viết trước, Medic Đông Tây đã cùng quý vị tìm hiểu về bệnh đái tháo đường, các nguy cơ biến chứng & cách phòng tránh các biến chứng mà người bệnh có nhiều khả năng đối mặt khi mắc bệnh, các típ (type) của bệnh...

 

      Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng lật mở những yếu tố nào có liên quan đến bệnh, từ những yếu tố làm cho bệnh tăng lên, đến việc bệnh đái tháo đường sẽ ảnh hưởng đến các bệnh lý khác như thế nào. Một khi hiểu rõ về các yếu tố ảnh hưởng này, mỗi người chúng ta có thể tự kiểm soát để phòng tránh (nếu chưa mắc bệnh), hoặc sống chung một cách tốt nhất với bệnh lý này. (Nguồn webMD cập nhật năm 2015).

 

      Đầu tiên là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, và làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Có ai trong chúng ta nghĩ mình vì thiếu ngủ, hay thiếu vitamin D mà tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

 

      Các nhà nghiên cứu chứng minh được những người thiếu ngủ sẽ tăng các acid béo tự do trong máu, và cản trở tác động của Insulin (một hormon làm giảm chỉ số đường trong máu, tăng sử dụng & tích lũy đường ở tế bào gan, tế bào cơ) đối với lượng Glucose trong máu. Sau vài ngày chúng ta ít ngủ, các acid béo tự do sẽ tăng cao trong máu lúc 5h sáng thay vì thường tăng, đạt đỉnh & giảm dần lúc nửa đêm. Chính vì rối loạn nhịp điều hòa đường - Insulin này, sẽ làm tăng cao tình trạng đề kháng Insulin (xem nội dung cụ thể ở bài "Đái tháo đường có mấy típ" -http://dongtaymedic.com/specialists/78/), tăng nguy cơ đái tháo đường type II hoặc sẽ làm nặng thêm tình trạng đái tháo đường đã có sẵn. Chúng ta có thể nhận biết tình trạng rối loạn này bằng biểu hiện đơn giản & sớm nhất trên da: sau vài ngày mất ngủ, da trở nên sẫm, xuất hiện những đốm đỏ (phản ửng viêm xảy ra tại lỗ chân lông, do khi đường huyết tăng sẽ kích thích tiết Insulin, kéo theo sự tiết các yếu tố gây viêm IGF). Chính vì vậy, giữ một tinh thần thoải mái, có được một giấc ngủ ngon & sâu sẽ giúp chúng ta phòng chống được một nguy cơ làm tăng bệnh đái tháo đường & tránh làm cho bệnh nặng lên nếu bệnh nhân đã mắc bệnh.

 

      Cũng vậy, một nghiên cứu của tác giả Manuel Macias - Gonzalez, trường đại học Magala, Spain cho biết khi nồng độ vitamin D trong máu thấp, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sẽ tăng lên, ngay cả khi bệnh nhân không có thừa cân hay béo phì. Khi bệnh nhân có một chế độ dinh dưỡng được bổ sung vitamin D hợp lý và vận dộng thể chất thường xuyên (5 ngày/ tuần) dưới ánh nắng mặt trời (trước 8h sáng) sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, và kiểm soát đường huyết ổn định hơn nếu đã mắc bệnh.

 

     Statin - một nhóm thuốc hạ lipid máu cũng làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường. Cụ thể tăng 37% khi dùng Atorvastatin liều cao (40 - 80 mg), tăng 28% khi dùng Simvastatin liều thấp (10 - 20 mg), tăng 44% khi dùng Simvastatin liều cao (40 mg). Cơ chế làm tăng nguy cơ đái tháo đường khi sử dụng nhóm thuốc này là Statin làm tuyến tụy giảm tiết Insulin (12%), và làm giảm độ nhạy cảm của các thụ thể tại các mô đối với Insulin (24%). 

 

     Nhóm thuốc này làm tăng nguy cơ đái tháo đường như các số liệu cụ thể nêu trên, nhưng các bác sĩ vẫn phải cân não để kê cho bệnh nhân của mình loại thuốc này. Giữa lợi ích bảo vệ tim mạch và đột quỵ, so với đái tháo đường, vấn đề có quá khó? Thưa quý vị, vấn đề này không hề nan giải nếu chính chúng ta cố gắng để bảo vệ mình, sao cho vừa đạt được lợi ích tim mạch từ thuốc, mà vẫn kiểm soát được nguy cơ gia tăng đái tháo đường.

 

     Một chế độ ăn tiết chế, cân đối giữa các thành phần đường - đạm - mỡ - chất xơ; một chế độ luyện tập thể dục mỗi ngày trong tuần (ít nhất 30 phút/ ngày x 5 ngày/ tuần); kiểm soát cân nặng tốt (BMI 18,5 - 22,5); tránh các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, các thực phẩm có đường hấp thu nhanh), kiểm soát cảm xúc, cách phản ứng với các tác động tâm lý... sẽ giúp chúng ta giảm được tối đa nguy cơ đái tháo đường chung, và tất nhiên cũng sẽ giảm được nguy cơ khi chúng ta được kê toa sử dụng thuốc nhóm Statin.

 

     Tác động qua cũng có tác động lại; bệnh đái tháo đường bản thân nó cũng góp phần làm nặng hơn và tăng nguy cơ mắc các bệnh khác: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, thiếu máu cục bộ não, tăng nguy cơ ung thư...

 

     Khi mắc bệnh đái tháo đường, tốc độ xơ cứng các mạch máu tăng nhanh hơn hẳn so với tốc độ bình thường theo tuổi, chính vì vậy làm tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp và thiếu máu cục bộ tim - não. Đặc biệt đối với tình trạng thiếu máu cục bộ, vì khi đó quá trình tạo lập các mạch máu bàng hệ (mạch máu được hình thành khi một động mạch nuôi một vị trí bị tắc, mục đích vẫn đảm bảo tối đa có thể lượng máu nuôi vùng đó) sẽ khó khăn gấp nhiều lần, và khi tiến hành thủ thuật đặt stent (một dụng cụ nong rộng lòng động mạch) cũng không được kết quả như mong muốn.

 

     Chính vì thế, ở bệnh nhân đã mắc bệnh đái tháo đường thường được các bác sĩ tư vấn thêm về các nguy cơ này và phòng ngừa bằng thuốc uống, cũng như chế độ ăn, lối sống (kiểm soát tốt đường huyết, lipid máu, cân nặng, giảm đến không dùng thuốc lá - rượu - bia, luyện tập thể dục tối thiểu 30 phút x 5 ngày/ tuần) để hạn chế tác động của đái tháo đường lên các bệnh lý này.

 

     Rất mong những thông tin này hữu ích và giúp chúng ta tự phòng ngừa và kiểm soát tốt nhất sức khỏe của mình.

 

 

 

 

     Bài viết liên quan:

     - Bạn đã biết về bệnh Đái tháo đường?

     - Ăn nhiều đường sẽ mắc bệnh tiểu đường?

     - Đái tháo đường có mấy tuýp?

     - Những biến chứng của đái tháo đường?

     - CHDOTA tác động lên đường huyết theo cơ chế nào?