HÌNH 4

Thông tin Y dượcThông tin về bệnh ung thư

CÁC TẾ BÀO MIỄN NHIỄM CỦA MỘT CƠ THỂ HÙNG MẠNH - NHỮNG NGƯỜI LÍNH CANH CỦA CƠ THỂ.

CÁC TẾ BÀO MIỄN NHIỄM CỦA MỘT CƠ THỂ HÙNG MẠNH - NHỮNG NGƯỜI LÍNH CANH CỦA CƠ THỂ


      Các điểm yếu của ung thư


     Khi mắc bệnh ung thư, trong cơ thể chúng ta có một cuộc chiến toàn diện. Các tế bào ung thư hoạt động như những băng cướp có vũ trang không luật lệ, thoát khỏi sự bó buộc của cuộc sống, đặc điểm của một cơ thể lành mạnh. Với những gen không bình thường chúng thoát khỏi các cơ chế điều chỉnh của các tế bào. Ví dụ các tế bào ung thư mất đi việc bị tiêu diệt sau một số lần phân chia do đó trở thành bất tử. Nó làm ngơ với các tín hiệu phát xuất từ các mô lân cận khi đặt dưới sự biến động do thiếu không gian sinh sống, kêu gọi các tế bào ung thư ngừng sinh sôi nảy nở. Tệ hơn nữa là các tế bào ung thư sẽ đầu độc các tế bào xung quanh bởi những độc tố chúng tiết ra. Các độc tố mà chúng tiết ra sẽ gây ra viêm nhiễm cho một số bộ phận, sự viêm nhiễm này kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư chống lại các mô nằm gần nó. Sau cùng giống như một đạo binh đang hành quân cần phải bảo đảm sự tiếp tế, chúng trưng dụng các mạch máu ở gần nó và bắt buộc những mạch máu này cung cấp oxy và các thức ăn cần thiết cho sự phát triển của các tế bào ung thư. Sự phát triển nhanh chóng tạo thành một loại bướu, một tổ chức có tính độc hại.

Tuy nhiên có ba trường hợp các băng nhóm hung tợn ấy tự mất tổ chức và tính độc hại:

  1. Khi hệ thống miễn nhiễm được động viên để chống lại chúng.
  2. Khi cơ thể từ chối không tạo ra viêm, không có viêm tế bào ung thư sẽ không thể phát triển và đi xâm chiếm một lãnh thổ khác.
  3. Khi các mạch máu từ chối không nhân lên và cung cấp thức ăn tiếp tế cần thiết cho sự phát triển.

     Ta có thể tăng cường các cơ chế này để tránh không cho bệnh xuất hiện. Lẽ dĩ nhiên các phương pháp tự vệ tự nhiên này không có tham vọng thay thế các phương pháp hóa trị hay xạ trị một khi bướu đã xuất hiện. Nhưng ta có thể áp dụng song song với các phương pháp quy ước để có thể huy động tất cả tiềm năng tự bảo vệ để chống lại bệnh ung thư.

 
     Những người lính canh của cơ thể, các tế bào miễn nhiễm của cơ thể hùng mạnh

 

       Sự tàn phá của các tế bào S180:

       Trong tất cả các giống tế bào ung thư đã được các nhà nghiên cứu sử dụng, tế bào S180 là tế bào hiểm độc nhất xuất phát từ một giống chuột đặc biệt của phòng thí nghiệm Thụy Sĩ. Được nuôi với số lượng lớn, các tế bào này được sử dụng trên toàn thế giới để nghiên cứu bệnh ung thư trong những điều kiện có thể lặp lại giống hệt nhau. Rất khác các tế bào cùng loại, các tế bào S180 có một số nhiễm sắc thể khác thường. Chúng tiết ra một lượng lớn chất cytokine, những chất độc làm nổ tung vỏ các tế bào tiếp xúc với nó. Một khi tiến vào cơ thể con chuột, nó nhân lên với một vận tốc kinh hồn làm cho bướu ung thư cứ 10 giờ tăng gấp đôi thể tích. Nó xâm chiếm các mô ở lân cận và tiêu hủy tất cả các vật gì nó gặp trên đường đi. Khi nó vào trong một lỗ hổng của dạ dày, sự sinh sôi nhanh chóng vượt quá khả năng tháo nước của các mạch bạch huyết cầu. Giống như một bể tắm bị nghẹt, chất lỏng tích tụ đến mức bụng bị tràn ngập chất acid, một chất lỏng trong suốt, chất lỏng này là môi trường lý tưởng để cho các tế bào ung thư S180 nảy nở. Các tế bào này sẽ phát triển với tốc độ điên cuồng cho đến khi một bộ phận thiết yếu bị nghẽn lại hoặc một mạch máu chủ lực bị vỡ ra, kéo theo sự tử vong của cơ thể.

       Con chuột chống lại bệnh ung thư:

       Trong phòng thí nghiệm của ông Zheng Cui, giáo sư sinh vật học của đại học Forest thuộc tiểu bang Bắc Carolina Mỹ, người ta không nghiên cứu bệnh ung thư mà chỉ nghiên cứu sự chuyển hóa của các chất béo. Tuy nhiên để có được những kháng thể cần thiết cho thí nghiệm, người ta tiêm những tế bào nổi tiếng S180 vào chuột. Các tế bào ung thư này sẽ sản sinh ra chất lỏng acid từ đó người ta dễ dàng trích ra các kháng thể. Cách làm cổ điển ấy cần một sự đổi mới liên tục của đàn thú nuôi, vì không có con chuột nào sống sót quá một tháng sau khi được tiêm vài ngàn tế bào S180.

       Không có một con chuột nào sống sót cho đến khi có một hiện tượng lạ kì xảy ra. Một nhà nghiên cứu trẻ Liya Qin đã tiêm 200.000 tế bào S180 vào một nhóm chuột, liều dùng cổ điển cho các thí nghiệm này. Nhưng có con chuột số 6 chống lại được với liều tiêm, bụng vẫn bằng phẳng. Liya lặp lại thí nghiệm nhưng vẫn không có kết quả. Theo lời chỉ dẫn của ông Zheng Cui - người điều khiển nghiên cứu này, cô đã tăng liều tiêm lên gấp đôi nhưng vẫn không có kết quả. Cô tăng gấp 10 lần lên tới 2 triệu tế bào, cô rất ngạc nhiên khi vẫn không thấy xuất hiện bệnh ung thư, không có sự tạo ra chất lỏng acid trong bụng con chuột bất tử này. Nghi ngờ thao tác của cộng tác viên, ông Zheng Cui quyết định tự tay ông tiêm với một liều lượng lớn hơn lên tới 20 triệu tế bào và kiểm tra lại chắc chắn rằng toàn bộ dịch được tiêm vào bụng chuột. Hai tuần sau vẫn không có kết quả. Trong khi các con chuột khác không sống quá 2 tháng trong phòng thí nghiệm, con chuột số 6 đã sống đến tháng thứ 8 mặc dù đã được tiêm với số lượng khổng lồ tế bào ung thứ S180 vào bụng. Một ý nghĩ đã nảy ra trong đầu ông Zheng Cui, có thể đây là một sự kiện không thể có, một con chuột có khả năng tự nhiên chống lại bệnh ung thư. Báo chí y học và khoa học cho biết từ một thế kỉ nay có nhiều trường hợp mà bệnh nhân mắc bệnh ung thư được cho là đến thời kì cuối bỗng bệnh tự nhiên đổi chiều ngược lại và cuối cùng đã biến mất hoàn toàn. Những trường hợp này là vô cùng hiếm và tất nhiên là ta khó nghiên cứu các trường hợp này vì không thể đoán trước được và người ta không thể tạo lập lại được. Thường thì người ta cho là có sự nhầm lẫn về chẩn đoán (có thể không phải là ung thư) hay đây chỉ là một kết quả chậm xuất hiện của các lần hóa trị liệu trước đây (có thể là lần hóa trị năm trước đã phát huy tác dụng).

       Chắc chắn ta phải chấp nhận rằng một trong những lần lành bệnh không giải thích được có những cơ chế mà ta chưa hiểu rõ có khả năng chống lại sự phát triển của bệnh ung thư. Trong vòng 10 năm trở lại đây một số cơ chế này đã được làm sáng tỏ và được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, con chuột số 6 của giáo sư Zheng Cui đã mở ra một cửa sổ của một trong các cơ chế ấy, cho thấy sức mạnh của hệ thống miễn nhiễm khi ta biết động viên toàn thể hệ thống này.

       Một khi đã chấp nhận là con chuột nổi tiếng từ nay được gọi là siêu chuột chống được với bệnh ung thư, ông Zheng Cui lại có sự lo lắng mới: siêu chuột này chỉ tồn tại với một bản mẫu. Chuột sống tối đa là 2 năm, một khi con chuột này chết đi làm thế nào để tiếp tục nghiên cứu về sự đề kháng. Nhỡ nó bị dính một con siêu vi sưng phổi chẳng hạn? Zheng Cui dự kiến gìn giữ ADN của con chuột này hoặc nhân giống vô tính (một số nhân giống vô tính trên chuột đã được công bố) thì một đồng nghiệp của anh gợi ý “Sao anh không cho nó sinh con”.

       Siêu chuột này chẳng những có con với một con chuột cái thường (không chống được bệnh ung thư) mà một nửa số cháu của nó thừa hưởng gen di truyền chống ung thư của ông nội. Những con chuột này có thể nhận trên 2 triệu tế bào S180 mà vẫn không mắc bệnh, một liều tiêm trở thành bình thường đối với phòng thí nghiệm. Chúng còn chịu được đến 2 tỷ tế bào S180, khoảng 10% trọng lượng chung của con chuột tương ứng với một lượng 7 - 8 kg tế bào ung thư thật độc hại tiêm vào một con người trung bình.

       Zheng Cui không thử trên thế hệ thứ nhất của đàn con của con chuột số 6 sợ rằng gen đề kháng ung thư chưa truyền đến thế hệ này mà chỉ thử nghiệm trên thế hệ thứ ba.

 

       Cơ chế bí mật:

       Ông Zheng Cui phải vắng mặt vài tháng và khi trở về ông vô cùng thất vọng khi lặp lại các thí nghiệm với con chuột kháng ung thư. Ông nhận thấy 2 tuần sau khi tiêm, với những con chuột trước đấy kháng ung thư và tất cả đều tạo ra chất lỏng acid chứa đầy tế bào ung thư. Tại sao trong khi ông vắng mặt những con chuột này lại mất đi khả năng kháng bệnh trong nhiều ngày liền. Ông chỉ nghĩ đến kết quả thất bại này và cứ tự hỏi ông đã sai lầm ở điểm nào. Có vẻ như tất cả đã trở về thứ tự cố hữu như phần lớn các đồng nghiệp đã tiên đoán rằng sự phát minh quá đẹp đó khó có thể là một hiện thực. Ông thất vọng đến nỗi ông không còn muốn đến thăm các con chuột nữa, 4 tuần sau khi tiêm trên lý thuyết tất cả các con chuột mắc bệnh đều phải tử vong. Với tâm hồn nặng trĩu khi ông đi đến phòng thí nghiệm mở nắp bình ra và chết đứng. Các con chuột đều sống và chất lỏng acid đã biến mất.

       Sau vài tuần làm việc hăng say và làm lại các thí nghiệm khác để kiểm chứng một giả thiết mới, ông dã tìm ra lời giải thích “đến một tuổi nào đó” 6 tháng đối với chuột tương đương 50 năm với người, cơ chế kháng bệnh yếu đi, bệnh ung thư sẽ phát triển trong một thời gian đầu sau đó bụng sẽ phình lên do chất lỏng acid. Nhưng sau đó khoảng 2 tuần tương đương với 1 năm hoặc 2 năm theo thang đời sống con người, sự hiện diện của bướu kích thích cơ chế kháng bệnh của cơ thể, bướu sẽ tan biến nhanh (có thể theo dõi bằng mắt) và biến mất trong vòng 24 giờ (1 đến 2 tháng theo thang người) các con chuột trở về hoạt động bình thường với cuộc sống tình dục rất năng động. Đây là lần đầu tiên khoa học có được một kiểu mẫu thực nghiệm có thể lặp lại theo ý muốn về sự thoái bộ tự phát của bệnh ung thư, vấn đề còn lại là tìm hiểu xem cơ chế nào có sự thoái bộ của bướu.

       Chính nhờ bác sĩ Mark Miller, một cộng sự viên của Zheng Cui, một chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của các tế bào ung thư đã tìm ra chìa khóa của bí mật này.

       Khi khảo sát qua kính hiển vi, các tế bào S180 lấy từ bụng các con chuột kháng bệnh, ông đã tìm thấy một bãi chiến trường thật sự. Thay vì là những tế bào ung thư thường gặp căng tròn đầy lông và hiếu chiến, ông thấy những tế bào mặt nhẵn chứa nhiều lỗ thủng đang chiến đấu với các bạch huyết cầu của hệ miễn nhiễm, trong đó đặc biệt có nhiều tế bào NK – tế bào giết chết tự nhiên (Natural Killer). Ông Mark Miller còn có thể quay một đoạn phim video về các tế bào miễn nhiễm đang tấn công tế bào S180. Đó là chìa khóa của bí mật. Những con chuột kháng ung thư có thể tạo ra một hàng rào mạnh mẽ chống lại tế bào ung thư ngay cả sau khi các tế bào ung thư được đặt ngay vào cơ thể.

 

Những tác nhân chống ung thư rất đặc biệt:

       Các tế bào NK là những tác nhân rất đặc biệt của hệ miễn nhiễm. Giống như các bạch huyết cầu khác, chúng đi tuần tra liên tục trong cơ thể săn lùng các vi khuẩn, siêu vi và các tế bào ung thư mới. Nhưng khác với các bạch huyết cầu khác, chúng không cần sự có mặt của các kháng thể để có thể được huy động. Khi chúng phát hiện những kẻ lạ mặt, các tế bào NK sẽ kết dính vào chúng tìm cách tạo tiếp xúc màng với màng. Sau khi đã tạo được sự tiếp xúc này, các tế bào NK hướng thẳng về đích ngắm giống như tháp một chiếc xe thiết giáp tạo ra ống dẫn truyền các túi chứa đầy các chất độc.

       Khi tiếp xúc với kẻ thù, các túi được giải phóng và các khí gới hóa học của tế bào NK chất Perforin và Granzym được tiêm xuyên qua màng tế bào, các phân tử Perforin có dạng những vòng siêu nhỏ ráp lại thành một ống dẫn. Theo ống này chất Granzym được cho vào tế bào ung thư. Sau đó các phân tử Granzym trong tế bào ung thư khơi dậy cơ chế tự tử đã được lập trình giống như chúng ta lệnh hãy tự sát. Tâm các tế bào tan vỡ kéo theo sự nổ tung của toàn thể cấu trúc của tế bào ung thư, các mảnh vỡ tế bào sẵn sàng để bị tiêu hóa bởi một loại tế bào ăn thịt, những tác nhân dọn rác của hệ miễn nhiễm thường đi kế bên tế bào NK.

  

                    Tế bào ung thư hùng mạnh                              Tế bào NK hùng mạnh

       Giống các tế bào NK ở chuột của giáo sư Zheng Cui, các tế bào NK của người cũng có khả năng giết chết nhiều loại tế bào ung thư, đặc biệt các sarcome, ung thư vú, tuyến tiền liệt và trực tràng. Một nghiên cứu thực hiện trên 77 phụ nữ bị ung thư vú được theo dõi trong 12 năm cho thấy tầm quan trọng của các tế bào NK này.

       Đầu tiên các mẫu trích từ các bướu ung thư sau khi đã được chẩn đoán và được nuôi cùng các bạch huyết cầu của chính các phụ nữ ấy. Với một số bệnh nhân các bạch huyết cầu không phản ứng lại, dường như tính năng động tự nhiên của nó đã bị ngăn cản. Với một số phụ nữ khác, trái lại các tế bào NK quét dọn một cách quyết liệt. 12 năm sau khi chấm dứt công trình nghiên cứu, gần một nửa (47%) những phụ nữ mà các bạch huyết cầu không phản ứng đều bị tử vong. Ngược lại (95%) những phụ nữ mà các bạch huyết cầu có phản ứng mạnh mẽ (khi nhìn qua kính hiển vi) vẫn còn sống.

       Một nghiên cứu khác cũng mang đến những kết quả tương tự. Các bạch huyết cầu NK nhìn dưới kính hiển vi càng tỏ ra ít hoạt động thì bệnh ung thư tiến triển càng nhanh, di căn cùng khắp cơ thể. Đối với người, sự năng động của các tế bào miễn nhiễm dường như là một nhân tố cần thiết để chống lại sự phát triển của bệnh ung thư và sự khuếch tán của các tế bào di căn.

 

       Bệnh ung thư bị kiềm chế:

       Mary Ann, người Scotland trước đây không bị mắc bệnh ung thư nào cả nay đã biết được vai trò tối thượng của sự miễn nhiễm chống lại các bệnh ung thư đang tìm cách xâm chiếm cơ thể bà. Bà bị suy thận, một bệnh nặng làm cho thận mất khả năng lọc máu khiến cho độc tố được chứa chấp ngày càng nhiều trong cơ thể. Để tránh các lần lọc máu bắt bà phải vào bệnh viện một tuần vài lần, bà đã được ghép thận. Trong vòng một năm bà Mary Ann có thể sống được gần như bình thường, điều duy nhất là mỗi ngày phải uống những thứ thuốc loại bỏ hệ miễn nhiễm, vai trò của các thuốc này là làm yếu hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân để cơ thể của họ không loại bỏ cái thận ghép “kéo dài cuộc sống của bệnh nhân”. Sau một năm rưỡi bệnh nhân cảm thấy bị đau ngấm ngầm ở vùng chứa thận ghép. Đi chụp cắt lớp thấy xuất hiện một bướu khác thường ở vú bên trái, sinh thiết thực hiện trên mẫu thịt từ bướu cho thấy có sự di căn của melanon (một loại ung thư ngoài da) trong khi trên da người bệnh không có tí melanon sơ cấp có thể là nguồn gốc của bướu ung thư này.

       Đây là một trường hợp mà các bác sĩ không thể hiểu được. Bác sĩ da liễu Rona-Mackie được gọi đến tăng cường, bà cũng không giải thích được trường hợp kì lạ của melanonma này. Người ta dùng mọi cách để cứu Mary Ann kể cả việc ngừng dùng thuốc chống miễn nhiễm và cắt bỏ thận bị bệnh nhưng đã quá trễ, sáu tháng sau bà Mary Ann chết do sự phát tán của melanon mà người ta không tìm được nguồn gốc.

       Một thời gian sau, George một bệnh nhân thứ hai được ghép thận trong cùng một bệnh viện lại thấy xuất hiện một melanon di căn mà không rõ xuất xứ. Lần này bác sĩ Mackie không thể tin có một sự trùng hợp mà người ta nói rằng đây là một trong những bí ẩn mà y học không thể giải thích được. Bà đi ngược lại thời gian tìm hiểu nguồn gốc của hai quả thận đã được dùng để ghép và tìm ra cả hai thận đều xuất phát từ một người cho. Các xét nghiệm đều cho thấy tình trạng sức khỏe của người cho thỏa mãn các điều kiện cần có. Không bị viêm gan và dĩ nhiên không bị ung thư, bị nhiễm HIV nhưng Mackie vẫn kiên trì và cuối cùng bà tìm ra nguyên nhân rằng người cho thận có mang melanon. Hai năm sau bà đã được mổ và lấy ra một bướu rất nhỏ dài 2,5 mm. Sau đó người ta theo dõi 15 năm sự tiến triển của melanon và đã được bác sĩ kết luận là đã hoàn toàn lành bệnh. Như vậy bệnh nhân đã thật sự lành bệnh ung thư, cơ thể mặc dù có vẻ lành mạnh vẫn tiếp tục mang những bướu cực nhỏ bị giữ yên do tác dụng của hệ miễn nhiễm của người bệnh. Khi những bướu cực nhỏ ấy được cấy vào một cơ thể như của George hay Mary Ann mà hệ miễn nhiễm do ta tự làm yếu đi để tránh loại bỏ cái thận ghép thì các tế bào ung thư ấy tìm trở lại khả năng phát triển một cách ồ ạt và đi xâm chiếm cơ thể.

       Nhờ làm công việc của một người thám tử, bác sĩ Makie đã thuyết phục được các đồng nghiệp ghép các bộ phận ngưng không cho bệnh nhân dùng các chất chống miễn nhiễm mà George hàng ngày phải dùng và ngược lại được cho một loại thuốc tăng cường miễn nhiễm để cơ thể anh loại bỏ càng nhanh càng tốt cái thận ghép. Vài tuần sau người ta có thể cắt bỏ cái thận này, mặc dù sau đó anh lại phải tiếp tục đi lọc máu, 2 năm sau đó George vẫn sống mạnh khỏe không có dấu vết gì về melanon. Một khi đã tìm lại sức mạnh bình thường của nó, hệ miễn nhiễm đã hoàn thành nhiệm vụ tống khứ các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể.

 

       Tạo hóa đã không đọc những quyển sách tra cứu kinh điển:

       Với những con chuột của giáo sư Zheng Cui người ta đã chứng tỏ rằng các bạch huyết cầu của chuột có thể loại đến 2 tỷ tế bào ung thư trong vòng 2 tuần. Sáu giờ sau khi tiêm các tế bào ung thư có 100 triệu bạch huyết cầu của chuột tràn tới bụng. Với một lượng to như thế trong khoảng nửa ngày có 100 triệu tế bào ung thư biến mất. Trước khi thực hiện thí nghiệm với con “siêu chuột” và con cháu của nó không ai có thể nghĩ rằng hệ miễn nhiễm có thể huy động một lực lượng mạnh đến nỗi có thể tiêu hủy một lượng tế bào ung thư nặng bằng 10% trọng lượng của toàn cơ thể. Không ai có thể tưởng tượng được với sự nhất trí về giới hạn hiệu lực của hệ miễn nhiễm, sẽ không có một nhà miễn nhiễm học cổ điển nào có thể chấp nhận một khả năng miễn nhiễm mạnh mẽ như thế. Ông Lloyd Old, một giáo sư miễn nhiễm học ung thư ở trung tâm nghiên cứu ung thư Sloan Kettering ở New York đã nói với ông Zheng Cui: Chúng ta chỉ có thể mừng là ông không phải là một nhà miễn nhiễm học, nếu không ông đã vứt bỏ tức khắc con chuột số 6 mà không do dự gì cả. Ông Zheng Cui đã đáp lại: Chúng tôi nên mừng vì tạo hóa đã không đọc những cuốn sách tra cứu kinh điển của chúng tôi(18).

       Tiềm năng của con người chống lại bệnh tật đến nay vẫn còn bị y học đánh giá quá thấp. Lẽ tất nhiên trường hợp con “siêu chuột” và con cháu của nó có sức đề kháng kì diệu chống lại bệnh ung thư là do gen của chúng. Còn đối với những người như tôi, như các bạn không thừa hưởng được những gen khác thường đó chúng ta có thể huy động hệ miễn nhiễm đến mức độ nào đó với một hệ ở mức độ bình thường. Câu trả lời cho câu hỏi này đặt nền tảng trên tính hiếu chiến của các bạch huyết cầu, thành phần chủ yếu chống lại bệnh ung thư. Chúng ta có thể kích thích sự năng động của chúng hoặc ít ra không làm kiềm hãm tính năng động này. Các con “siêu chuột” làm việc này tốt hơn người nhưng chúng ta có thể đẩy các bạch huyết cầu để chúng làm việc hết sức mình chống lại bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy giống như người lính ra trận, các bạch huyết cầu của con người đánh càng giỏi khi càng được kính trọng (nó được cho ăn đầy đủ, được bảo vệ khỏi các chất độc) và sĩ quan của chúng biết giữ đầu lạnh (biết quản lý tốt xúc động của mình và giữ được sự bình thản). Như sẽ thấy trong các trang sau các nghiên cứu khác nhau về hoạt động của các bạch huyết cầu (gồm các tế bào NK) cho thấy chúng hoạt động ở mức độ cao nhất khi ta dùng thức ăn tinh khiết, sống trong một môi trường sạch, khi hoạt động thể xác, vận dụng toàn thể cơ thể chúng ta (chứ không riêng gì đầu óc và đôi tay).

       Các bạch huyết cầu cũng nhạy cảm với các cảm xúc của chúng ta, chúng phản ứng tích cực khi vui mừng và tinh thần đoàn kết với các bạn đồng loại. Có vẻ như các tế bào miễn nhiễm của ta càng dễ được động viên hơn khi nó phục vụ cho một đời sống “đáng sống”. Chúng ta sẽ gặp những nhà tuần tiễu tung hoành ấy trong tất cả các chương tiếp theo khi chúng ta lần lượt khảo sát các phương pháp săn sóc tự nhiên bắt buộc phải có đi kèm theo bất cứ cách điều trị nào của bệnh ung thư.

 

 

Làm giảm khả năng miễn nhiễm

Làm tăng khả năng miễn nhiễm

Ăn theo lối phương Tây

Ăn theo lối Địa Trung Hải, Ấn Độ, Á đông

Cảm xúc bị đè nén

Cảm xúc được biểu lộ

Đau buồn, sống cách ly

với xã hội

Chấp nhận số phận, thanh

thản

Từ chối bản chất thật của mình (Người đồng tính)

 

Chấp nhận bản chất thật của mình (với những giá trị

lịch sử của nó)

Sống tĩnh tại

Hoạt động thể chất đều đặn

 

Bảng 1 cho thấy các yếu tố làm giảm hoặc làm tăng sức miễn nhiễm của cơ thể. Các nghiên cứu về hoạt động của các bạch huyết cầu cho thấy các bạch huyết cầu chịu ảnh hưởng của cách ăn uống, môi trường xung quanh, hoạt động thể chất và cách quản lý các cảm xúc của mình.

Nguồn tài liệu: Servan - Schreiber, 2011. Anti Cancer.  NXB Trẻ.

      .MEDIC ĐÔNG TÂY.