HÌNH 4

Thông tin Y dượcĐau đầu, stress, rối loạn giấc ngủ

STRESS VÀ SỨC KHỎE

       I. Khái niệm chung:
       Stress với đúng nghĩa của nó không hề bao gồm sự đáp ứng của cơ thể đối với những sự thúc bách, sự bó buộc. Thuật ngữ “hội chứng thích ứng chung” của cơ thể mới mang đầy đủ ý nghĩa để nói đến những đáp ứng của cơ thể đối với những sự thúc bách, bó buộc mà cá thể gặp phải trong quá trình tồn tại, phát triển.

       Về mặt sinh học, stress tương ứng với những sự bức bách, bó buộc, những sự tấn công đối với cá thể, ngăn cản cá thể này sống trong hoàn cảnh, điều kiện lý tưởng và đưa đến một phản ứng của cá thể nhằm thoát khỏi hoàn cảnh này để có thể sống trong những điều kiện tốt hơn.

       Về mặt tâm lý, có nhiều khái niệm về stress. Sự thay đổi của môi trường sống tạo ra một phản ứng của cơ thể, sự thay đổi này chính là yếu tố gây stress, có thể gọi hiện tượng này là sự bức bách hay một “áp lực thần kinh”

       Sự phản ứng để thích nghi với hoàn cảnh bức bách này có thể gọi là sự “căng thẳng thần kinh”
       Nghiên cứu stress đòi hỏi cả y học, tâm lý học, xã hội học tham gia vào chứ không chỉ riêng một ngành nào.

       Stress luôn mang một ý nghĩa tiêu cực bởi vì chúng ta luôn gắn stress với sự sợ hãi, tức giận, căng thẳng đó là những cảm xúc làm chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, một sự vui sướng, một thành công cũng dẫn đến những phản ứng về mặt cơ thể như sự căng cơ, mệt mỏi, tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng huyết áp v.v… Như vậy, đối với cá thể không chỉ có một loại stress mà luôn có hai loại stress. Một loại đến từ những cảm xúc tích cực và một loại nữa đến từ những cảm xúc tiêu cực. Cả hai loại stress này đều đòi hỏi cơ thể có một phản ứng để thích nghi nếu phản ứng phù hợp, cơ thể sẽ hưởng lợi nếu phản ứng thích ứng không phù hợp, cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi. Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng stress là toàn bộ những phản ứng cảm xúc tích cực, tiêu cực của cơ thể đối với một đòi hỏi thích nghi của môi trường sống.

       II. Những nguyên nhân gây stress:
       Thông thường chúng ta gắn stress với những hoàn cảnh gây ra bởi những quan hệ giữa người với người, những mâu thuẫn trong gia đình, đồng nghiệp, căng thẳng trong học hành, thi cử v.v… nhưng thực ra đứng trước bất kỳ một thay đổi nào cũng có thể dẫn đến tình trạng stress. Những thay đổi về khí hậu, sự khác biệt về văn hóa, những thay đổi trong nghề nghiệp, công việc như nhận công việc mới, thay đổi nơi ở, nơi làm việc, bị đuổi việc. những yếu tố lien quan đến tình cảm như cưới hỏi, ly thân, ly dị, sanh con, người thân chết. Thay đổi về cơ thể như ở tuổi dậy thì, tiền mãn kinh, tuổi già bệnh tật. Ngoài ra các yếu tố mang tính xã hội như chiến tranh, suy thoái kinh tế v.v..không thể không kể đến.

       III. Tác động của stress đối với cơ thể:
       Qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, con người đã được trang bị những cơ chế sinh học thần kinh cho phép thích ứng với tất cả những sự thay đổi của môi trường sống. Cho dù những thay đổi này về mặt cơ thể, tinh thần hay xã hội thì cơ thể cũng phải duy trì được sự hằng định, sự cân bằng bên trong cơ thể bằng cách điều tiết năng lượng một cách phù hợp trong quá trình thích ứng. Cần nhớ rằng sự thích ứng này có tầm quan trọng sống còn đối với cá thể bởi vì con người luôn phải đối mặt với stress.

       Ở một mức độ nào đó stress là cần thiết cho đời sống, nó tạo ra động cơ, thách thức đòi hỏi các cá thể phải huy động các nguồn lực để vượt qua và tiếp tục tồn tại, hoàn thiện mình hơn. Nhưng ở một số trường hợp stress vượt quá ngưỡng nào đó sẽ trở nên nguy hiểm đến đời sống của cá thể, thậm chí dẫn đến cái chết vì cơ thể không thể thích ứng, không thể vượt qua được để duy trì một sự ổn định bên trong.

       Cho đến nay y học đã khẳng định mối liên quan mật thiết giữa tinh thần và các bệnh thực thể thông qua các phản ứng thần kinh – nội tiết – miễn dịch. Ba yếu tố trong hệ thống này có ảnh hưởng qua lại mật thiết với nhau trong quá trình thích ứng của cơ thể với những đòi hỏi của môi trường. Hoạt động của hệ thống này nằm mục đích bảo đảm sự hằng định bên trong cơ thể trong quá trình thích ứng với các thay đổi, đòi hỏi của môi trường. hệ thống thần kinh dẫn truyền những tín hiệu thông qua các dẫn chất thần kinh. Hệ nội tiết sử dụng những hormone, để chuyển tải thông tin chuyên biệt từ xa. Hệ thống miễn dịch chuyển tải thông tin nhờ những tế bào lưu chuyển trong cơ thể và sản xuất ra những tế bào “chiến đấu” và những kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân tấn công gây hại từ bên ngoài.

       Hội chứng thích ứng chung (Syndrome Général d’adaptation) : là phản ứng sinh lý của cơ thể khi đối mặt với một sự đe dọa nguy hiểm. theo tác giả Eric cũng như Henri Laborit những đáp ứng mang tính bẩm sinh nhằm bảo vệ sự an toàn cho cá thể khi đối mặt với một sự đe dọa nguy hiểm đó là sự tháo chạy hay đối đầu, tấn công lại đối tượng đe dọa cá thể đó. Với quan niệm như vậy phản ứng sinh lý đối với stress là tạo điều kiện tối đa cho các đáp ứng mang tính bảo vệ nói trên, nói cách khác những đáp ứng sinh lý đối với stress chuẩn bị đảm bảo cho hành vi tháo chạy hay đối đầu, tấn công đối tượng đe dọa thành công, thậm chí là làm tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với tình trạng đe dọa nguy hiểm này.

       Theo tác giả Hans Selye khi sự hằng định nội môi của cơ thể bị rối lọan bởi một đòi hỏi của môi trường. Cơ thể luôn luôn phản ứng bằng hai đáp ứng. Đáp ứng thứ nhất gọi là đặc hiệu vì nó phù hợp với tính chất của mỗi yếu tố gây stress khác nhau. Đáp ứng thứ hai không đặc hiệu bởi vì nó phản ứng giống nhau đối với mọi tình huống cho dù yếu gây stress là thực thể hay tinh thần, bên trong hay bên ngoài, chủ quan hay khách quan, tích cực hay tiêu cực thì đáp ứng sinh lý, thể dịch và nội tiết không có gì khác biệt.

        Phản ứng không đặc hiệu này được Selye quan sát trong những nghiên cứu của ông từ năm 1920 ông rất ngạc nhiên nhận ra rằng trong lâm sang khi quan sát tình trạng sốc do bỏng, sốc do nhiễm trùng, sốc do mất máu v.v… đều có những thay đổi đặc trưng được quan sát thấy như sau :
   – Teo tuyến ức, lách và các hạch lympho.
   – Loét dạ dày, ruột.
   – Phì đại tuyến vỏ thượng thận.
   – Giảm số lượng lymphocyte trong máu cũng như biến mất hoàn toàn của dòng éosinophile.

       Năm 1936 Selye đã nhận thấy những triệu chứng giống như trên ở những con chuột đã được tiêm dung dịch chiết xuất từ nhau, buồng trứng của bò. Vào thời gian đầu, ông cho rằng ở trong dung dịch chiết xuất này có thể có một chất độc hại đã tác động xấu đến cơ thể những con chuột này. Tuy nhiên sau đó ông đã nhận ra rằng đáp ứng của cơ thể chuột không hề thay đổi dù cho chúng được tiêm bất kỳ chất gì khác. Ông đã đưa ra kết luận rằng có một phản ứng không đặc hiệu của cơ thể, luôn luôn phản ứng giống nhau đối với tất cả những mối đe dọa nguy hiểm từ môi trường sống đối với cơ thể. Sau đó ông đã dành cả thời gian còn lại để nghiên cứu về phản ứng không đặc hiệu này cho đến năm 1950 ông gọi hội chứng này là “Syndrome Général d’adaptation” hay “Stress”. Theo Selye tất cá các phản ứng tự vệ của cơ thể đều giống nhau ở mọi cá thể nhưng ở từng cá thể khác nhau thì mức độ phản ứng có khác nhau vì vậy khả năng thích của từng cá thể cũng không giống nhau đối với cùng một yếu tố gây stress.

       Ba giai đoạn của Hội chứng thích nghi chung.
       Giai đoạn I: Phản ứng báo động hay cảnh báo. Giai đoạn này được bắt đầu bằng trạng thái sốc. Khi cơ thể chúng ta đứng trước một yếu tố gây stress tức là đối diện với một đòi hỏi cơ thể phải làm sao thích nghi với hoàn cảnh này. Vì cơ thể chưa được chuẩn bị cho tình huống này nên trước tiên phản ứng cảnh báo bắt đầu bằng một trạng thái sốc, trạng thái này đặt cá thể vào một tình huống mất cân bằng về hoạt động chức năng đẩy cơ thể vào tình trạng dễ tổn thương hơn đối với đòi hỏi phải thích nghi ở hoàn cảnh mới này. Giai đoạn này có thể kéo dài vài phút đến 24 giờ. Nếu tình trạng sốc này không dẫn đến cái chết, cơ thể sẽ cân bằng trở lại và đưa ra những phương pháp tự vệ tích cực được gọi là giai đoạn chống sốc, đây là những phản ứng cấp tức thời nhằm tạo thuận lợi cho hành vi tháo chạy hoặc tấn công đối tượng gây nguy hiểm, tức là né tránh hoàn cảnh gây bệnh. Những đáp ứng về thần kinh thực vật, nội tiết ở giai đoạn này được gọi là “đáp ứng giao cảm” hay “dưới đổi – giao cảm – hệ adreneline”. Bắt đầu từ dưới đồi gián tiếp thông qua hệ thống thần kinh giao cảm kích thích lên tủy thượng thận là bộ phận quan trọng của tuyến thượng thận tiết ra adrenaline và noradrenaline. Tủy thượng thận cũng được hoạt hóa bởi hệ thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau hoặc cơ chế thể dịch bằng cách kiểm soát nồng độ adrenaline và noradrenaline trong máu. Cần nhớ rằng vỏ não hệ thống viền cũng liên quan đến phản ứng của cơ thể đối với stress, phân tích nhận thức, tri giác, những trải nghiệm và những phản ứng cảm xúc cũng tham gia vào quá trình thích ứng này của cơ thể.

       Khi tủy thượng thận được hoạt hóa tiết ra adrenaline và noradrenaline những chất này có tác dụng làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và nhịp thở sau đó là làm tăng lượng đường trong máu. Lúc này đồng tử giãn ra để nhìn được rõ hơn, trí nhớ và phản xạ trở nên tốt hơn, cơ quan tiêu hóa ngược lại hoạt động chậm lại.

       Những thay đổi này còn nhằm huy động các nguồn dự trữ của cơ thể bằng cách phân hủy lipide, glucogene để cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Sự tăng tiết adrenaline và noradrenaline làm tăng huyết áp, tăng hịp tim dẫn đến tăng lưu lượng máu cung cấp nhiều hơn oxy cho cơ bắp phục vụ cho việc tháo chạy hoặc tấn công đối tượng gây stress thành công. Tuy vậy sự gia tăng cấp thời nồng độ các catecholamine có thể dẫn đến những tác dụng có hại trong giai đoạn này đối với cơ thể như có thể gây ngưng tim bởi rung thất, co thắt ngực dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não v.v…

       Giai đoạn II: giai đoạn kháng cự
       Ở giai đoạn này bao gồm tất cả những phản ứng không đặc hiệu gây ra bởi yếu tố gây stress, cơ thể cần phải thích nghi bằng cách huy động tất cả các nguồn dự trữ để thiết lập một sự cân bằng mới. Ở giai đoạn này stress được xem như yếu tố tích cực đối với cơ thể ví dụ : nếu một học sinh phải đọc một bài thơ trước lớp, sự tăng tiết adrenaline sẽ làm tăng trí nhớ và kích thích tư duy của học sinh này, điều này có tác dụng tốt đối với em. Nhưng ngược lại nếu em không giữ được bình tĩnh thì sẽ trở nên căng thẳng hơn, bối rối hơn và điều này sẽ bất lợi cho em.

       Ở giai đoạn cảnh báo cơ thể mất rất nhiều năng lượng đòi hỏi trong gia đoạn này cần được bù đắp lại. Về nội tiết và thần kinh thực vật, giai đoạn kháng cự có sự hoạt hóa trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận. Sự tăng tiết corticolibérine bởi nhân trước và nhân bên dưới đồi dẫn đến tăng tiết corticotropine (ACTH) bởi thùy trước tuyến yên. Sự hiện diện của ACTH trong máu dẫn đến sự tăng tiết corticosurrenal từ lớp vỏ thượng thận bao gồm :
Hocmon chuyển hóa glucocorticoide như cortisol, cortisone huy động nguồn dự trữ năng lượng dưới dạng hydrate carbon bằng cách kích hoạt các enzyme chuyển hóa làm tăng lượng đường trong máu. Với liều cao glucocorticoide sẽ có tác dụng kháng dị ứng và kháng viêm bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch để giảm những phản ứng của cơ thể đối với những tổn hại của các mô.
Minéralocorticoide như aldosterone, corticosterone tác động vào sự hằng định của các ion bằng cách tạo thuận lợi cho việc giữ ổn định natri trong máu và phản ứng chống lại các tác nhân gây hại bên ngoài tấn công vào cơ thể.

       Như vậy chúng ta thấy rõ rằng trong giai đoạn này cơ thể đang tìm kiếm một nguồn năng lượng mới để chống lại những sự xâm nhập của các tác nhân có hại từ bên ngoài và cũng tìm cách củng cố bù đắp lại những sự thiếu hụt các ion nhằm mục đích chống đỡ một cách tốt nhất đối với hoàn cảnh khó khăn đang gặp phải.

       Giai đoạn III: Giai đoạn kiệt quệ
       Nếu stress tiếp tục kéo dài cơ thể sẽ đến lúc kiệt quệ. Sự bực bội, trầm cảm có thể xuất hiện. Stress không chỉ có tác động sinh lý mà còn có tác động đến tâm lý. Khi một người phải đối mặt với một hoàn cảnh gây stress, hành vi và cả nhận thức, tri giác của anh ta đối với môi trường xung quanh cũng thay đổi. Nhưng cần nhớ rằng mỗi cá thể khác nhau sẽ phản ứng khác nhau đối với cùng một hoàn cảnh gây stress.

       Như vậy nếu tác nhân gây stress vẫn hiện hữu có nghĩa là đòi hỏi thích ứng vẫn tiếp tục, sẽ đến lúc nào đó cơ thể không còn khả năng thích nghi, các cố gắng điều chỉnh giữ thăng bằng sự hằng định nội môi thất bại, không thể bù đắp được năng lượng, khả năng đề kháng miễn dịch suy yếu không thể chống lại được các tác nhân có hại xâm nhập từ bên ngoài sự kiệt quệ có thể dẫn đến tình trạng sốc như ban đầu. Nhưng lần này trạng thái kiệt quệ dễ dàng đem đến bệnh tật và tử vong vì cơ thể đã trải qua giai đoạn hoạt động quá sức và không còn khả năng bù trừ nữa. Rất nhiều bệnh cơ hội có thể xuất hiện trong giai đoạn này vì hệ thống miễn nhiễm đã suy yếu, loét dạ dày ruột, cao huyết áp, hen xuyễn, eczema, ung thư v.v… Ngoài ra như ta đã biết ở phần trên khi lượng cortisol tăng lên trong máu nó trở nên tác nhân gây độc cho hệ thống thần kinh vì nó cho phép các ion calcium xâm nhập vào tế bào thần kinh, khi nồng độ calcium tăng cao sẽ gây ngộ độc và phá hủy các tế bào này.

       Tóm lại:
       Con người luôn luôn phải đối mặt với các hoàn cảnh gây stress. Nếu những yếu tố gây stress ở một giới hạn nào đó và cá thể có thể vượt qua bằng cách huy động các nguồn lực của mình. Trường hợp này, stress mang tính tích cực vì nó có tác dụng như một thách thức tạo một động cơ để cá thể phấn đấu vượt qua và qua quá trình thích nghi này đã tự hoàn thiện mình để tiếp tục tồn tại và phát triển. Trong một số trường hợp ngượi lại yếu tố gây stress quá mạnh hoặc trường diễn cơ thể dù huy động hết khả năng nhưng không thể vượt qua và không thể thích nghi được với hoàn cảnh mới thì cơ thể sẽ dẫn đến cạn kiệt các nguồn lực và lúc đó khi mà sức đề kháng của cơ thể không còn, trầm cảm và hàng loạt các bệnh cơ hội xuất hiện. Đó chính là hậu quả tai hại của stress ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Điều này chúng ta cần nhận thấy và cần có những biện pháp thích hợp để hạn chế những tác hại của stress.

 

      BS Trịnh Tất Thắng, Giám Đốc Bệnh Viện Tâm Thần TP. HCM

 

      Bài viết liên quan:

      - Dưỡng tâm DOTA có giúp giảm stress?