HÌNH 4

Thông tin Y dượcĐau đầu, stress, rối loạn giấc ngủ

CÓ THỂ BẠN NHẬN ĐỊNH CHƯA ĐÚNG VỀ GIẤC NGỦ

       Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ vừa báo cáo về “tình trạng mất ngủ” của người Mỹ.
Theo kết quả một khảo sát năm 2009 trên 75.000 người, có hơn 1/3 người Mỹ ngủ ít hơn 7 giờ/ đêm, trong khi hơn 1/ 2 người ngủ ngáy. Gần 38% người cho biết ngủ gật (không có ý muốn ngủ) trong ngày và gần 5% số người thú nhận ngủ gật khi lái xe.

       Từ những kết quả trên, chúng tôi đưa ra một số nhận định “đúng – sai” về giấc ngủ như sau:

   • Giấc ngủ ngắn ban ngày sẽ giúp giấc ngủ ban đêm nhiều hơn? – Sai, tốt hơn là bỏ giấc ngủ ngắn, chập chờn ban ngày sẽ dễ vô giấc ngủ ban đêm hơn.
   • Luyện tập thể dục là cách thức thức giúp giấc ngủ ngon? – Đúng, nhưng đừng luyện tập quá nặng nhọc hoặc nhẹ nhưng kéo dài tới gần giờ đi ngủ vào buổi chiều tối.
   • Mỗi tuần ngủ nhiều một lần có thể bù đắp cho những ngày mất ngủ trước đó? – Sai, không dễ dàng bù đắp giấc ngủ đã mất. Tốt hơn giữ giấc ngủ đều đều theo chu kỳ bình thường. Hơn nữa, giấc ngủ thường lệ giúp điều hòa hoạt động sinh học trong cơ thể con người và do đó giúp chúng ta dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

       Một số bất thường trong giấc ngủ:

       Tất cả những yếu tố gây khó khăn để chúng ta đi vào giấc ngủ, ngủ sâu và đủ giờ, và khi thức dậy thấy nhẹ đầu và có cảm giác khỏe khoắn – đủ sinh lực cho một ngày làm việc, gọi là các rối loạn giấc ngủ.

       Người bệnh thường đi khám vì mất ngủ vì không khả năng ru ngủ để vô giấc ngủ và giữ yên trạng thái ngủ gây suy giảm hoạt động làm việc. Một số lý do khám khác ít gặp hơn như:
   • Ngủ nhiều – ngủ rũ: là trạng thái ngủ, sẵn sàng ngủ nhiều giờ ban ngày kèm theo yếu cơ bắp đột ngột. Ngủ rũ đôi khi xảy ra từng cơn khó cưỡng như một “giấc ngủ tấn công” và có thể diễn ra trong các tình huống không mong muốn.
   • Ngưng thở trong giấc ngủ: là tình trạng giấc ngủ bị ngưng vì đợt thở hổn hển hoặc đợt tiếng hít gây tiếng động hoặc gây ngưng thở trong thời gian ngắn thoáng qua.

       Khi tự nhận thấy hoặc người thân quan sát được các bất thường xảy ra trong khi ngủ kể trên nên đi khám chuyên khoa để các bác sĩ đánh giá đúng thực trạng, tìm nguyên nhân và điều trị.

       Thời gian ngủ thích hợp là bao nhiêu mỗi ngày ?

   • Trẻ nhỏ: trẻ mới sinh 2 tháng: từ 12 đến 18 giờ, trẻ 3 đến 11 tháng từ 14 – 15 giờ.
   • Trẻ em: 1 – 3 tuổi: từ 12 – 14 giờ; trẻ 3 – 5 tuổi: từ 11 – 13 giờ; trẻ 5 – 10 tuổi: từ 10 – 11 giờ.
   • Thanh thiếu niên: 10 – 17 tuổi: từ 8,5 đến 9,5 giờ.
   • Người lớn: cần được ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi ngày.

       Vì sao bạn mất ngủ ?

       Mệt mỏi, ngủ không đủ hay ngủ không được thường gặp ở nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì và trầm cảm, rối loạn lo âu, v.v…

       Tinh thần và khả năng hoạt động trong ngày có liên quan tới số giờ ngủ đêm trước. Buồn ngủ ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của bạn và việc ngủ thêm vào mỗi đêm sẽ tăng chất lượng thời gian làm việc ban ngày. Giấc ngủ ngon càng lúc càng được nhìn nhận như một yếu tố chính trong phòng ngừa bệnh mạn tính và giúp sức khỏe tốt lên.

       Chuẩn bị cho giấc ngủ hay “vệ sinh giấc ngủ” thế nào ?

       Chuẩn bị, tạo điều kiện để ngủ ngon mỗi đêm được hiểu là “vệ sinh giấc ngủ”. Thực tế việc tạo điều kiện để ngủ ngon khá đơn giản nhưng đôi khi chúng ta thực hiện chưa hợp lý nên không mang lại kết quả, và đôi khi tác dụng ngược.
   • Tập thói quen đi ngủ đúng giờ hàng đêm, thức sáng đúng giờ.
   • Nơi ngủ yên tĩnh, tối dịu, thoáng, không quá lạnh và dĩ nhiên không nóng bức.
   • Chuẩn bị giường chiếu hợp lý (hướng nằm không bị ánh sáng chiếu, màu sắc, không quá mềm với người lớn có bệnh về xương khớp cột sống, êm ái với người còn trẻ tuổi, gối đầu cao vừa phải, v.v…). Giường ngủ chỉ để ngủ, không đọc sách, xem TV hay nghe nhạc, không nên đếm để ngủ.
   • Không nên để máy vi tính, các thiết bị công nghệ thông tin khác trong phòng ngủ.
   • Không nên ăn no, uống say trước khi đi nằm.


       Một vài khía cạnh thực tế lâm sàng:

       Trong thăm khám điều trị hằng ngày, chứng mất ngủ trước hết cần được xem là một trong các triệu chứng của các bệnh tâm thần thường gặp như trạng thái stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, và nhiều bệnh lý nội khoa khác v.v… Mất ngủ thường kèm theo nhiều triệu chứng tâm thần và thần kinh khác như buồn chán, đau đầu, kém tập trung, … Đó là các cơn lo sợ hồi hộp vô cớ (có khi lạnh tay chân tới mức toát mồ hôi), hoặc ám ảnh giật mình sợ, hoặc xảy ra các cơn ác mộng sợ sệt không ngủ lại được. Ở bệnh nhân trầm cảm, các chuyên gia tâm thần thế giới khuyến cáo cần phát hiện ý tưởng tự sát nếu mất ngủ trắng liên tục nhiều hơn 5 đêm.

       Thực tế nhiều bệnh nhân nữ mất ngủ thường không tự nhận thấy nguyên nhân gây mất ngủ của mình và cho rằng không hiểu tại sao không ngủ được. Khai bệnh không lo buồn suy nghĩ gì vì trong gia đình không có tranh chấp tài sản đất đai, không bị “xếp đì”, đồng nghiệp không đố kỵ (?) nếu còn đi làm, chồng con có công ăn việc làm không rượu chè nghiện ngập hoặc nợ nần gì, v.v… nhưng khi dùng thuốc có tác dụng êm dịu giải lo thì dần dần ngủ trở lại được.

       Thống kê 3 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ mất ngủ ở bệnh nhân nữ là 69,4 %, ở bệnh nhân nam 30,6 %.

       Một số bệnh nhân mất ngủ nguyên phát (primary insomnia) hay không có căn nguyên nghĩa là không do tình trạng hoạt động tâm thần bất thường hay do bệnh lý y khoa hoặc do nguyên nhân môi trường nào khác gây ra. Nhưng tốt hơn, bác sĩ chuyên khoa cần “thăm hỏi và phát hiện” thấu đáo các lý do đến khám kể trên. Người bệnh, nhất là phụ nữ, có xu hướng không muốn “tiết lộ” tình trạng rối loạn hoạt động “tâm thần kinh” của mình cho người ngoài biết để tránh sự nhìn nhận không thiện cảm về bệnh tâm thần. Đây cũng là cách thức làm rõ chẩn đoán thể loại mất ngủ để đi đến chọn lựa thuốc kê toa phù hợp hơn.

       Hầu hết bệnh nhân mất ngủ đến Bệnh viện Tâm thần khám “đã được” chỉ định chẩn đoán hình ảnh MRI một cách không hoặc chưa cần thiết. Kể cả ghi điện não (EEG) cũng không mang lại nhiều lợi ích trong chẩn đoán mất ngủ vì chúng ta không đủ thời gian hoặc chưa đủ khả năng phân tích điện não chuyên sâu, trừ khi kèm theo cơn co giật động kinh điển hình.

       Một thực tế khác là nhiều bệnh nhân chưa biết “vệ sinh giấc ngủ” đúng như đọc kinh tâm nguyện, đếm số, v.v… mà quên rằng chưa “tháo gỡ” hay “giảm nhẹ” trạng thái tâm lý bất ổn do stress, do ý nghĩ lo âu ám ảnh thì vẫn khó vô giấc ngủ, hoặc ngủ được cũng mau đột nhiên thức giấc không ngủ lại dù đã uống thuốc theo toa, hoặc ngủ được nhưng ngầy ngật do tác động của thuốc.