HÌNH 4

Thông tin Y dượcĐau đầu, stress, rối loạn giấc ngủ

HIỂU THÊM VỀ GIẤC NGỦ NGƯỜI LỚN TUỔI

       Rối loạn giấc ngủ rất thường gặp ở người lớn tuổi, nhiều hơn trong khám điều trị ngoại trú chuyên khoa tâm thần. Hơn một nửa người cao tuổi than phiền không ngủ được, ngủ không ngon giấc, hoặc chập chờn thức giấc nhiều lần.

       Hiểu các rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng tới hoạt động nhận thức (gồm ghi nhận, hiểu sự việc gặp phải, phán đoán và xử lý sự việc đó), ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể, tới chất lượng cuộc sống là vấn đề cần thiết với bản thân người lớn tuổi và với thân nhân, con cháu, ….

      Nữ bệnh nhân lớn tuổi mất ngủ nhiều hơn nam,  31% – 38 % người 18 – 64 tuổi, và 45 % người từ 65 – 79 tuổi ( có nghiên cứu cho tỷ lệ này lên tới 48%).

       Các yếu tố gây mất ngủ gồm các bệnh tâm thần kinh (rất nhiều chẩn đoán), bệnh nội khoa, dùng nhiều thuốc điều trị cùng thời điểm (polypharmacy), tác dụng phụ của thuốc, sử dụng các chất gây nghiện, thay đổi của môi trường, thay đổi cuộc sống như thời điểm về hưu và các yếu tố áp lực tâm lý xã hội. Ngoài ra còn do tắc nghẽn nhịp thở khi ngủ (25% – 35 %) ở người trên 60 tuổi, nam nhiều hơn nữ, đặc biệt nhiều ở người đã có dấu hiệu sa sút tâm thần.

       Mơ không kiểm soát nằm ngủ nhưng “thấy” sự việc liên tiếp nhau, cảm giác như thức do giấc ngủ REM là một trong những đặc trưng liên quan mất trương lực cơ ở người lớn tuổi. Nhiều nghiên cứu cho biết đây có thể là dấu hiệu tế bào thần kinh trung ương bắt đầu có những thay đổi làm suy giảm chức năng. Nhịp ngủ-thức cũng thay đổi kèm cử động tay chân không yên làm bệnh nhân tỉnh lại ngay sau khi bắt đầu ngủ.

       Thực tế thăm khám này rất thường gặp. Tuy nhiên bệnh nhân và con cháu thường đòi hỏi bác sĩ lựa chọn thuốc điều trị để ngủ được, để ngủ không mơ (trong khi vẫn đang dùng các loại thuốc điều trị rối loạn nhận thức khác, thuốc chữa các triệu chứng tâm thần kèm theo, thuốc tim mạch, thuốc tiểu đường, v.v…) là rất khó khăn. Xuất phát điểm là từ rối loạn hoạt động của các tế bào thần kinh trung ương và từ cơ chế tác dụng của thuốc, từ sự tương tác thuốc phức tạp (tới mức gây ra các triệu chứng phức tạp hơn) mà nhiều nhà chuyên môn mắc phải. Như vậy để đạt yêu cầu mục đích điều trị phải có thời gian xem xét nhận định lại điều trị từ đầu.

       Những thay đổi trong giấc ngủ ở người lớn tuổi.

       Đó là những thay đổi về thời biểu và chất lượng giấc ngủ như trằn trọc khó vô giấc ngủ, thức sớm, thức nhiều lần trong đêm và giảm toàn bộ giấc ngủ. Giấc ngủ được chia làm 4 giai đoạn, người lớn tuổi mất nhiều thời gian cho giai đoạn 1 và 2, ít thời gian cho giai đoạn 3 và 4 (giai đoạn ngủ sâu). Mặt khác giác ngủ REM giảm làm cho giấc ngủ bị “gãy đoạn”, do đó khó vô lại giấc ngủ giữa các giai đoạn và tạo ra tình trạng mệt mỏi toàn thân.

       Nhịp sinh học cũng xảy ra ở người lớn tuổi do đáp ứng nhân tiếp nối giữa “đồng hồ cơ thể” và ánh sáng làm thay đổi cấu trúc thời gian hàng ngày dẫn đến tăng giấc ngủ ngắn ban ngày.

       Thực tế này  cũng rất thường gặp, bệnh nhân ngủ ngày (không phải giấc ngủ trưa bình thường) vật vờ, tỉnh tỉnh hoặc lơ mơ thiếp đi, người thân thấy đã và đang ngủ nhưng khi bệnh nhân nói hoàn toàn không ngủ. Rối loạn nhịp sinh học có thể bộc phát do mất cấu trúc thời gian sống hàng ngày ( hoặc do công việc), tăng ngủ ngày ở nhà an dưỡng do sự pha trộn ngày (cũng nghỉ ngơi) như đêm. Tình trạng này làm người già có cảm giác mau mệt và mệt vào lúc chiều tối và như vậy gây giảm hiệu quả thời gian ngủ và thường thức dậy sớm.

       Có tới 65 % bệnh nhân trầm cảm, 61 % bệnh nhân có cơn lo lâu (tới mức hoảng loạn) và 41 % bệnh nhân lo âu lan tỏa bị mất ngủ. Bệnh nhân bị stress sau sang chấn thường gián đoạn giấc ngủ do ác mộng. Ở người lớn tuổi, những chẩn đoán trên dễ bị bỏ qua và do đó không được điều trị bài bản.

       Các thay đổi về giấc ngủ ở người lớn tuổi xảy ra ngay cả khi các biểu hiện trầm cảm và sa sút tâm thần chưa rõ rệt.

       Mất ngủ thường trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn tâm thần, nếu kéo dài cần được xem xét như một yếu tố góp phần ý nghĩ tự sát. Trong 1 nghiên cứu kéo dài 10 năm ở người lớn tuổi mất ngủ, nguy cơ tự sát tăng 1,4 lần. Tương tự trầm cảm tái phát tăng gấp 5 lần mà không phụ thuộc vào triệu chứng trầm cảm, vào điều trị chống trầm cảm và vào các bệnh lý kèm theo cũng như vào hoàn cảnh kinh tế xã hội.

       Các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 thường được dùng trong rối loạn lưỡng cực và loạn thần ở người lớn tuổi, nhưng cũng thường được dùng với chỉ định không chính thức (off-label). Kết quả một phân tích gộp (meta-analysis) về chỉ định không chính thức này cho thấy chúng ít hiệu quả đối với các triệu chứng loạn thần, kích động hành vi ở người lớn tuổi bị sa sút tâm thần, nhưng cũng không đủ bằng chứng để sử dụng chúng trong điều trị mất ngủ. Hơn nữa, thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 cũng có nhiều tác dụng phụ đối với các bệnh tim mạch, gây triệu chứng ngoại tháp, té ngã và các triệu chứng hệ tiết niệu, làm tăng 1,5 lần nguy cơ tử vong.

       Thực tế nhiều bệnh nhân mất ngủ được dùng thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 nhưng giấc ngủ không cải thiện, ngầy ngật, chóng mặt, v.v… và như vậy tăng thêm lo lắng. Vấn đề là cần thực hiện đúng hướng dẫn điều trị trong đó lựa chọn thuốc nào hàng đầu, liều lượng phù hợp và trong thời gian hợp lý với đánh giá chẩn đoán và theo dõi lâm sàng.

       Điều trị mất ngủ ở người lớn tuổi trước hết là lựa chọn điều trị bệnh lý nội khoa kèm theo (bệnh tuyến giáp, bệnh hệ tiết niệu, bệnh tiểu đường và các rối loạn tâm thần). Đây là những căn bệnh “đóng góp” vào nguyên nhân mất ngủ, nếu không điều trị những căn bệnh này thì không thể giải quyết hiệu quả mất ngủ. Hiện nay, các nhà nghiên cứu khuyến cáo dùng một số thuốc “tăng cường” rất hiệu quả khi bệnh nhân không còn đáp ứng với thuốc kể trên.

       Hướng dẫn cụ thể, thích hợp về vệ sinh giấc ngủ (chuẩn bị cho giấc ngủ) mang lại rất nhiều hiệu quả cho người lớn tuổi. Từ giải tỏa “xung đột, các ý nghĩ ám ảnh lo lắng” thường ngày giúp thư giãn, uống thuốc nghỉ ngơi giải trí theo thói quen, dùng thức ăn ấm, nhẹ dễ tiêu, đi nằm khi đã buồn ngủ, v.v… Nếu thức giấc cũng vận động nhẹ nhàng, tăng tập luyện sức khỏe phù hợp buổi sáng.

       Phương pháp hành vi nhận thức trị liệu dành cho người mất ngủ được xem là hướng dẫn hàng đầu mang lại hiệu quả cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi thầy thuốc phải được đào tạo, thời gian và bệnh nhân cần có những hiểu biết nhất định.

       Điều trị mất ngủ ở người lớn tuổi đòi hỏi phải thăm khám các nội khoa kèm theo một cách đầy đủ cũng như các rối loạn tâm thần đã mắc trước kia, các chế độ đang điều trị bao gồm các loại thuốc, liều lượng (kể cả nguồn gốc thuốc), và đặc biệt là các loại thuốc ngủ đã dùng. Hiện tại không nhiều bệnh nhân đáp ứng được các yêu cầu trên vì thăm khám nhiều chuyên khoa và bệnh viện nhưng chưa mang lại hiệu quả. Chính điều này có thể làm phức tạp thêm trong quá trình điều trị tiếp vì các tác dụng phụ và tương tác của thuốc.

Bs Phạm Văn Trụ. Nguyên PGĐ BV TT Tp HCM.