HÌNH 4

Thông tin Y dượcTim - mạch - bệnh chuyển hóa - tai biến mạch máu não

Tôi bị tiểu đường, có những nguy hiểm nào sẽ xảy ra với tôi? Tôi phải làm sao với những nguy hiểm đó?

     Ắt hẳn đây là câu hỏi quý vị, cả các vị có bệnh đái tháo đường, lẫn quý vị hiện không mắc bệnh luôn thắc mắc.

     Bệnh có nhiều biến chứng cấp tính cũng như mạn tính mà đáng quan tâm là tình trạng hạ đường huyết. Các bác sĩ nội tiết thường rất chú trọng biến chứng này vì ... bệnh nhân đái tháo đường tử vong do hạ đường huyết gấp nhiều lần so với bệnh nhân tăng đường huyết.

     Thường các đối tượng kiểm soát đường huyết quá tốt bằng thuốc uống hay thuốc chích thường có nhiều nguy cơ bị hạ đường huyết. Ngoài ra một sự vận động quá mức, ăn ít, bệnh nhân giảm cân, hay lấy nhầm lượng Insulin; nhầm loại Insulin, uống nhiều thức uống có cồn như bia, rượu, cơm rượu, dùng các loại thuốc (ức chế beta, thuốc kháng nấm, kháng viêm NSAIDs, cimetidien,) ... cũng gây hạ đường huyết.

     Người bệnh lúc đó sẽ có các dấu hiệu từ nhẹ như vã mồ hôi, tê quanh môi - mũi, đói, yếu tay chân, bứt rứt, tim đập nhanh đến những triệu chứng năng hơn như mờ mắt, giảm trí nhớ, lú lẫn, co giật, hôn mê...

     Khi có những biểu hiện như vậy, người bệnh có thể tự đo hay nhờ người nhà của mình đo đường huyết ở đầu ngón tay. Nếu chỉ số đo được < 70 mg/dl thì lập tức nên uống một ly nước đường (hòa tan 4 muỗng cafe đường); hoặc ăn bánh, ngậm kẹo để đường trong máu ngay lập tức tăng lên. Sau đó cho bệnh nhân ăn ngay một bữa ăn để nâng đường máu lên ổn định (vì nước đường hay bánh, kẹo chỉ làm đường huyết tăng lên tức thời chứ không lâu dài).

     Nếu người bệnh lơ mơ, không tỉnh được khi người nhà gọi hay cấu véo đau thì ngay lập tức hãy đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được xử trí cấp cứu, tránh tình trạng hạ đường huyết quá lâu sẽ gây thiếu Glucose nuôi tế bào não, sẽ dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn.

     Nguy hiểm & dễ tử vong như vậy, nhưng hạ đường huyết không có bất kỳ dấu hiệu nào dùng để tiên đoán liệu bệnh nhân này có thể bị hạ đường huyết hay không? Theo thống kê của hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có ít nhất một lần bị hạ đường huyết trong đời mình, và không hề có dấu hiệu nào nhận biết bệnh nhân này liệu có bị hạ đường huyết. Đặc biệt ở người cao tuổi, khi có nhiều bệnh phối hợp với nhau, sẽ dễ dàng che lấp những dấu hiệu của hạ đường huyết, hoặc bệnh nhân quá yếu không thể phát hiện & báo lại với người chăm sóc. Vì vậy, quý vị hãy thường xuyên theo dõi đường huyết bằng lấy máu đầu ngón tay tại nhà, và kiểm tra máu mỗi 3 tháng. Và khi ngoài khả năng tự xử trí bằng ăn uống chất đường, hay đến ngay bệnh viện gần nhất, tránh tình trạng nhất quyết phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên mà không chấp nhận điều trị của bệnh viện địa phương, vì khi đó chúng ta sẽ phải trả giá rất nhiều khi lượng đường nuôi não bị thiếu quá lâu.

     Bên cạnh hạ đường huyết, tăng đường huyết cấp tính cũng là một biến chứng cấp nguy hiểm không kém, nó đưa bệnh nhân vào trạng thái lơ mơ, hôn mê rất nhanh, và làm thay đổi môi trường acid - bazo trong cơ thể. Do đó, khi bệnh nhân có những biểu hiện mệt mỏi, đột ngột ăn nhiều - uống nhiều - tiểu nhiều, hay lơ mơ, hôn mê, hơi thở có mùi ceton, lập tức đo đường huyết cho bệnh nhân và đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để xử trí kịp thời.

     Những biến chứng mạn tính: xảy ra khi đái tháo đường type 1 (phụ thuộc Insulin - bắt buộc phải chích Insulin để ổn định đường huyết) trên 10 năm, và đái tháo đường type 2 (không bắt buộc dùng Insulin) ngay khi chẩn đoán. Các biến chứng này gồm tổn thương võng mạc (mắt), thận (suy thận mạn tính), bệnh đầu dây thần kinh (mất cảm giác), loét chân; tăng nguy cơ các bệnh tim mạch: tăng huyết áp, nhồi máu có tim, thiếu máu cơ tim... Các bệnh nhân đã được bác sĩ chẩn đoán bị đái tháo đường nên tái khám thường xuyên để duy trì việc dùng thuốc ổn định đường huyết, đồng thời được chỉ định các xét nghiệm máu, nước tiêu, soi mắt... để phòng ngừa biến chứng mạn tính.

     Biến chứng loét chân khá phổ biến vì các bệnh nhân đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết dễ tổn thương các đầu dây thần kinh, làm giảm sự nhạy cảm giác đau khi chân dẫm trúng vật gì; và khi đã bị thương do đường huyết cao cũng rất khó lành vết thương đó. Vậy, các bệnh nhân đái tháo đường nên kiểm tra đôi bàn chân mình hàng ngày. Mỗi tối trước khi đi ngủ, nên "săm soi" kĩ bàn chân mình, xem có vết trầy xước nào không; nếu có thì lập tức sát trùng, băng cá nhân lại và gặp bác sĩ điều trị khi vết thương sâu, bị chảy máu - mủ, đau, nóng, lâu lành...

     Chúng ta hãy chủ động để phòng ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

 

      

 

 

 

     Bài viết liên quan:

     - Bạn đã biết về bệnh Đái tháo đường?

     - Các yếu tố liên quan đến đái tháo đường?

     - Đái tháo đường có mấy tuýp?

     - Ăn nhiều đường sẽ mắc bệnh tiểu đường?

     - CHDOTA tác động lên đường huyết theo cơ chế nào?