HÌNH 4

Thông tin Y dượcThông tin về bệnh ung thư

THÁI ĐỘ TINH THẦN CHỐNG UNG THƯ

THÁI ĐỘ TINH THẦN CHỐNG UNG THƯ

     Ung thư - tử thần. Đó là suy nghĩ của hầu hết chúng ta khi nghe đến căn bệnh quái ác này. Nhưng mấy ai biết một điều chính thái độ của chúng ta đối với cuộc sống có liên quan vô cùng mật thiết với căn bệnh này.

     Những bệnh nhân đến với tôi khi được phát hiện ung thư, đã thừa nhận, họ từng trải qua nhiều căng thẳng, lo âu, bất lực trong cuộc sống. Từ một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, bị áp bức về thể xác, tinh thần, đến tình trạng mất việc, li hôn, mất đi người mình yêu thương nhất... Tuy nhiên, có những người cũng trải qua những sự kiện như vậy, nhưng lại không phát bệnh ung thư. Vậy, mấu chốt nằm ở đâu?

     Con người có thể trải qua nhiều chuyện đau buồn trong suốt đời sống của mình, tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta cảm thấy thực sự bất lực trước tác nhân gây đau buồn đó, đến nỗi chúng ta cảm thấy mình không còn bất kì niềm vui nào, hay không còn gì đáng để cho mình bám víu vào, thì lúc đó, những chuyện đau buồn, những stress mới thực sự làm cho chúng ta bị tổn thương. Lúc đó, não chúng ta tiết ra Noradrenalin, Cortisol, những chất này làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bắp thịt căng thẳng để chuẩn bị đối phó với stress, đồng thời cũng tác động lên hệ miễn dịch. Một số tế bào sản sinh các Cytokin, Chemokin gây viêm, chặn đứng hoạt động của tế bào NK - một loại tế bào tiêu diệt các tế bào lạ, làm cho tế bào NK nằm dính lên thành mạch máu một cách thụ động, thay vì đi tấn công các virus xâm nhập vào cơ thể, hay các tế bào ung thư đang sinh sôi nảy nở bên cạnh nó. Khi đó, khối ung thư bắt đầu phát triển, và xâm chiếm cơ thể chúng ta.

     Trên đây là một trong những yếu tố gây khởi phát một ung thư. Vậy còn thái độ của chúng ta, khi nhận được một tin rất đáng sợ, ung thư, thì thế nào? Cảm giác nặng nề, sợ hãi: sợ phải chết, sợ phải bỏ lại những gì mà mình đang có, hay đang muốn có, sợ bỏ lại người chồng, người vợ, sợ bỏ lại bầy con thơ... Ngoài ra, chúng ta còn một nỗi sợ rất lớn, sợ nhìn thẳng vào sự thật, không chấp nhận được sự thật.

     Ung thư có thật sự đáng sợ không? Trong tâm trí của bạn hiện đang nghĩ gì về điều này? Có một cái gì đó bất thường đang diễn ra trong người tôi, tôi có cảm giác nó đang ăn dần ăn mòn cơ thể tôi, mỗi ngày tôi một yếu đi, tôi không có cách nào để bắt nó dừng lại. Chỉ cần nghĩ đến nó, là tôi nghĩ đến cái chết đang gần kề, tôi không muốn ăn, không muốn bước ra khỏi giường, không muốn gặp gỡ, nói chuyện với ai, tôi có cảm tưởng tôi đang dần bị loại ra khỏi xã hội, những người bạn kia, làm sao họ có thể hiểu được cảm giác của tôi, họ không thể chết thay tôi, hay chết cùng tôi. Tôi không dám nói sự thật về bệnh cho người bạn trăm năm của tôi biết, anh ấy/ cô ấy sẽ không chịu nổi cú sốc này, tôi không muốn anh ấy/ cô ấy đau khổ. Các con tôi sẽ như thế nào? Tôi không còn có thể ở bên cạnh chúng, chúng sẽ sống như thế nào, sẽ làm thế nào khi chúng gặp những khó khăn trong cuộc đời mà không có người cha, hay người mẹ ở bên cạnh…

     Yếu tố tinh thần gây nên bệnh ung thư, và những cảm xúc, thái độ khi con người ta biết mình bị ung thư là như thế đấy, đó là thái độ bình thường mà ai cũng có thể trải qua. Nhưng mấy ai biết được, chính thái độ đó, cảm xúc bất lực đó, góp phần cho bệnh hình thành, hay nặng thêm tình trạng bệnh. Như đã nói ở trên, quá trình stress làm tăng các tế bào viêm, gây nên tình trạng viêm mạn tính và không kiểm soát được hoạt động của tế bào đi diệt tế bào lạ, do đó làm ung thư phát triển, khó kiểm soát hơn.

     Như vậy, phải chăng kiểm soát stress, luyện tập để có một đáp ứng tốt với stress sẽ giúp phòng ngừa, hay kiểm soát được sự phát triển của khối u? Câu trả lời rất khả quan. Khi chúng ta kiểm soát được cảm xúc của mình, chúng ta đang tự bảo vệ mình trước nguy cơ ung thư. Khi chúng ta có tâm lý vững vàng, sẽ có được những tế bào NK hoạt động tốt, khả năng chống cự mạnh hơn nhiều so với các bệnh nhân chìm trong chán nản và bất lực.

     Thấy rõ tác động tích cực của việc kiểm soát tâm trí như vậy, chúng ta phải làm như thế nào để đạt được sự kiểm soát đó?

     Đối với những đối tượng có vấn đề về quá khứ, nó là cái gì đó cứ mãi ám ảnh họ, cho đến khi họ gặp lại một tình cảnh tương tự ở hiện tại, họ sụp đổ, và phát hiện căn bệnh ung thư, thì chúng ta nên giúp họ nhìn thẳng vào vấn đề của mình, đối diện trực tiếp với nỗi đau đớn, sợ hãi của tình cảnh đó, cái hình ảnh cứ lập đi lập lại trong đầu họ. Có nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp …. gợi cho bệnh nhân nhớ lại tất cả nỗi đau đớn của họ, trong lúc họ đảo mắt nhìn theo một vật đang chuyển động tịnh tiến qua lại trước mắt họ. Với phương pháp này, đau thương, sợ hãi sẽ được đưa đến đỉnh điểm, sau đó bệnh nhân sẽ có thể biến đổi, như hoàn toàn đứng ngoài cuộc, chứng kiến những đau khổ, sợ hãi đó như thể nó đang xảy ra cho một ai đó, chứ không phải bản thân mình. Chính lúc này, bệnh nhân mới thực sự được giải thoát khỏi những ám ảnh quá khứ.

     Đối với những người có cảm xúc không kiểm soát được sau khi nhận được tin mình bị ung thư thì trị liệu cần phối hợp nhiều biện pháp.

     Điều đầu tiên, người bệnh phải đối mặt với căn bệnh của mình. Có nhiều nơi, bác sĩ không nói cho bệnh nhân biết họ bị ung thư, mà chỉ nói cho người nhà của bệnh nhân biết. Điều đó tạo nên một tâm lý nặng nề, không những cho bệnh nhân, mà còn người nhà của họ. Bản thân bệnh nhân, họ tự cảm nhận được những gì xảy ra trong cơ thể của họ, tuy không biết được chính xác, nhưng họ biết có một căn bệnh gì đó rất nặng đang bao trùm lên họ, họ ngày một yếu đi, họ không dám cho người thân của mình biết điều đó - rằng họ ngày càng xa dần cuộc sống này. Đối với người nhà, đã biết bệnh của người thân mình, lo lắng, hụt hẫng, dấu diếm sợ người bệnh biết được họ sẽ sa sút tinh thần. Từ đó, không khí trong gia đình nặng nề, chính điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới người bệnh. Phương cách tốt nhất trong trường hợp này, bệnh nhân và gia đình nên nhờ bác sĩ liên kết, giải thích và tạo nên mối thông hiểu nhau, đồng cảm, cả gia đình cùng giúp người bệnh đối mặt, cùng cảm nhận ý nghĩa sự có mặt của nhau trong cuộc đời, từ đó đồng hành với bệnh nhân từ ăn uống, đến các biện pháp điều trị. Ở nước ngoài, có người mẹ tự cạo đầu mình, để đồng cảm với đứa con gái bé bỏng vô hóa chất điều trị ung thư bị rụng hết tóc. Đó là một trong những hành động đồng cảm, nhưng không chỉ có vậy, mà người thân yêu còn giúp người bệnh trong cách luyện tập, ăn uống, lối sống đúng... Từ đó mà người bệnh cải thiện được tình trạng bệnh của mình.

     Sau khi đã đối mặt được với căn bệnh, đã tương thông, đồng cảm được với những người thân yêu, một việc quan trọng không kém là chính người bệnh làm những việc có ý nghĩa đối với bản thân họ. Đơn giản chỉ là viết một quyển nhật ký về bản thân, tập chơi một bài nhạc, hay trồng cây cảnh, tham gia công tác xã hội... (Những việc mà trước đây với bộn bề công việc, áp lực họ không thể thực hiện được). Khi thực hiện được những việc đầy ý nghĩa với bản thân như vậy, tâm lý họ sẽ biến chuyển, không còn bám víu vào bệnh tật, mà thay vào đó, họ sống nhiều hơn, muốn sống nhiều hơn, họ sống từng giây phút trong cuộc đời họ. Và khi tâm lý, tinh thần cải thiện, hệ miễn dịch của họ sẽ được cải thiện, giúp họ chống chọi tốt hơn với tế bào ung thư.

     Tham gia vào một nhóm, trong đó các thành viên cũng mắc bệnh ung thư, là một phương pháp giúp ích rất nhiều cho người bệnh. Các nhà khoa học đã chứng minh, khi một nhóm người có cùng vấn đề sức khỏe, tụ họp lại với nhau định kỹ cùng luyện tập, cùng chia sẻ về bệnh của mình, tâm hồn mỗi thành viên cởi mở hơn, và khi một thành viên trong nhóm có ra đi, thì bản thân họ ngoài sự thương tiếc, họ còn cảm nhận được giá trị của mình, ảnh hưởng của mình trong lòng mọi người, cho dù ngày mai mình có ra đi... Điều đó, giúp cho nguời bệnh bình tĩnh đối mặt với "ngày mai" của mình, một cách thanh thản.

 

      .MEDIC ĐÔNG TÂY.