HÌNH 4

Thông tin Y dượcThông tin về bệnh ung thư

CHẶN ĐỨNG CON ĐƯỜNG TIẾP TẾ LƯƠNG THỰC CHO TẾ BÀO UNG THƯ.

CHẶN ĐỨNG CON ĐƯỜNG TIẾP TẾ LƯƠNG THỰC

CHO TẾ BÀO UNG THƯ


       Giống như chiến thắng của JouKov ở Stalingrad:

       Cuộc chiến chống ung thư thường gợi ý đến những ẩn dụ quân sự. Theo tôi không có trận chiến nào giống cuộc chiến này bằng cuộc chiến to nhất của thế chiến thứ II. Tháng 8 năm 1942 trên bờ sông Volga, gần thành phố Stalingrad, Hitler đã dựng một bộ máy hủy diệt lớn nhất của lịch sử loài người: trên một triệu lính thiện chiến mà không có một lực lượng thù địch nào có thể chống lại, một sư đoàn xe tăng Panzer, 10.000 đại bác, 1.200 máy bay. Phía bên kia là một đạo binh Nga kiệt sức, trang bị kém, thường gồm những thiếu niên hoặc có khi cả nữ sinh trung học chưa từng cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, gia trang trong một trận chiến hết sức tàn khốc. Các đạo binh Xô Viết được yểm trợ bởi những người dân đã đứng vững trong suốt mùa thu. Tuy nhiên, mặc dù chiến đấu rất anh dũng nhưng do hai lực lượng quá chênh lệch nên chiến thắng của quân đội Đức chỉ còn là vấn đề thời gian. Thống chế Goergi JouKov thay đổi hoàn toàn chiến lược, thay vì đánh trực diện không có khả năng, ông cho phần còn lại của quân đội tiến ngang qua lãnh thổ chiếm bởi quân địch đánh vào hậu trường của địch. Nơi đây chỉ có các đơn vị chuyên lo hậu cần cho quân đội Đức gồm người Rumani, Ý ít kỉ luật và kém hiếu chiến hơn nhiều so với lính Đức. Các đội binh này chống cự không lâu trước sự tấn công của quân đội Xô Viết. Chỉ trong vài ngày ông JouKov đã thay đổi hẳn cục diện của trận chiến Stalingrad. Một khi các đường tiếp tế bị cắt đứt quân đội của tướng Paulus không còn khả năng chiến đấu và cuối cùng đã phải đầu hàng. Tháng 2 năm 1943 sự xâm lược của quân đội Đức hoàn toàn bị đẩy lùi. Stalingrad là một bước ngoặt trọng đại của thế chiến thứ II và đánh dấu sự thụt lùi của cục bướu Đức quốc xã trên toàn lãnh thổ châu Âu. Nếu người nhà binh ý thức được tầm quan trọng chiến lược của hậu cần với các đội binh của mặt trận, việc áp dụng nguyên lý này vào việc điều trị bệnh ung thư được xem là kỳ cục với các nhà ung thư học. Cũng nhờ một sự tình cờ mà nguyên lý này đã nảy mầm trong suy nghĩ của một nhà phẫu thuật quân đội.

 

       Trực giác của một bác sĩ phẫu thuật:

       Bác sĩ Judah Folkman, sĩ quan bác sĩ trong hải quân vào các năm 1960 có nhiệm vụ nghĩ ra một phương pháp bảo quản kho máu tươi cần cho phẫu thuật ngoài biển trong các tháng dài ra khơi của các tàu chở máy bay hạt nhân đầu tiên. Để thử nghiệm thiết bị bảo quản, ông muốn kiểm tra rằng máu bảo quản bằng thiết bị này có thể nuôi sống một cơ quan sống nhỏ.

       Ông thử in vitro (trong ống nghiệm) trên một tuyến giáp thỏ được giữ cô lập trong một lồng kính và ông đã nuôi sống thành công, không gặp một tí khó khăn nào cả. Nhưng ông tự hỏi hệ thống của ông còn hoạt động tốt như thế hay không với những tế bào tăng trưởng nhanh như trường hợp tạo ra vết sẹo. Để bảo đảm ông tiêm vào tuyến giáp nhỏ bé ấy những tế bào ung thư chuột đã được biết là phát triển rất nhanh, ông rất ngạc nhiên là các tế bào ung thư được tiêm tạo ra bướu nhưng không bướu nào lớn hơn đầu cây kim. Lúc đầu ông nghĩ là các tế bào ấy đã chết nhưng khi tiêm trở lại vào các con chuột thì chúng tạo ra những bướu to lớn giết chết chuột. Có gì khác nhau giữa tuyến giáp thỏ in vitro (trong ống nghiệm) với con chuột sống. Có một khác biệt đập ngay vào mắt: Các bướu ung thư trong chuột được bao phủ đầy mạch máu, trong khi các tuyến giáp thỏ đặt trong lồng kính hoàn toàn không có những mạch máu này.

       Vậy là ta có quyền kết luận các tế bào ung thư chỉ có thể lớn lên nếu nó lôi kéo được các mạch máu phục vụ cho nó. Ám ảnh bởi giả thuyết này ông Judah Folkman đã tìm thấy vô số sự kiện xác nhận trong công việc phẫu thuật hằng ngày của ông. Các tế bào ung thư mà ông mổ xẻ được tưới đầy đủ bởi những mạch máu mỏng manh, vặn vẹo giống như các mạch máu này đã được tạo ra quá nhanh chóng.

       Folkman sớm hiểu rằng không có tế bào của cơ thể có thể sống được nếu nó không tiếp xúc với các mạch máu li ti nhỏ như sợi tóc mà người ta gọi là mao quản. Các mạch máu này mang đến cho tế bào oxy và các thức ăn cần thiết cho sự sống, và đem đi các chất phế thải. Để có thể sống sót, các bướu cần được bao bọc bởi những mạch máu vì các bướu phát triển nhanh, một số mạch máu mới cần phải được tạo ra. Folkman đặt tên cho hiện tượng này là Angiogenèse (từ tiếng la tinh “angio” là mạch máu và genèse là “sinh ra”). Bình thường các mạch máu có một hạ tầng cơ sở không đổi, các tế bào trên thành ống không nhân lên và không tạo ra những mạch máu mới chỉ trừ trong những trường hợp đặc biệt: Khi tăng trưởng, lúc tu sửa lại các vết thương hay khi có kinh nguyệt, các cơ chế tạo mạch tự nhiên này tự giới hạn và được kiểm soát rất gắt gao để tránh sự tạo thành các mạch máu mỏng manh rất dễ chảy máu. Để có thể to lên, bướu ung thư sẽ bẻ cong khuynh hướng của cơ chế này về phía nó. Như vậy theo suy nghĩ của ông Judah Folkman chỉ cần ngăn các bướu ung thư không tạo được các mạch máu ta sẽ ngăn chúng không thể vượt quá kích thước đầu kim. Tấn công các mạch máu thay vì tấn công các bướu ung thư ta có thể làm cho chúng khát và có thể làm cho chúng lùi không phát triển được nữa.

 

       Cuộc hành trình qua sa mạc:

       Đối với cộng đồng khoa học không ai chú ý đến giả thuyết “của người sửa ống nước” xuất phát từ một bác sĩ không biết gì về sinh vật học của ung thư nhưng dù sao ông cũng là giáo sư của đại học Harvard và chủ nhiệm bộ môn giải phẫu thiếu nhi của bệnh viện, một trong các bệnh viện mới nhất của Mỹ. Tờ báo New England of Medecine năm 1971 đồng ý cho in thuyết lập dị này(44).

       Sau này ông Folkman có kể lại buổi trò chuyện giữa ông và người làm việc ở phòng làm việc kế cận trong bệnh viện, giáo sư John Ender người được giải Nobel Y học. Khi ông Folkman nghĩ ông có phát biểu quá nhiều về các ý tưởng của ông và lo sợ có địch thủ sẽ đạo văn tất cả chương trình nghiên cứu của ông, ông Ender vừa phì phà ống điếu vừa nói: “Anh đừng lo ai ăn cắp ý nghĩ này vì không ai tin anh đâu”.

       Thật thế bài báo của ông không gây được tiếng vang, tệ hơn, những đồng nghiệp của ông còn phát biểu sự bất đồng bằng cách đứng dậy một cách ồn ào và bỏ ra ngoài khi ông bắt đầu phát biểu trong hội nghị. Người ta rỉ tai nhau rằng ông đã sửa đổi các kết quả nhằm bảo vệ lý thuyết của mình và quan trọng hơn đối với tư cách một bác sĩ, ông là một lang băm. Sau khi trở thành một nhà phẫu thuật giỏi ông đã mất phương hướng. Các sinh viên rất cần thiết cho đời sống của một phòng thí nghiệm, nghiên cứu, tìm cách tránh xa ông để đừng có một mối quan hệ mảy may gì với một người khờ dại. Vào cuối các năm 1970, ông còn mất luôn chức trưởng phòng phẫu thuật.

       Mặc dù những biến cố ấy nhưng sự quyết tâm của ông không bao giờ suy yếu. Hai mươi năm sau ông đã giải thích: “Tôi biết một vấn đề mà mọi người khác đều chưa biết vì tôi là người làm việc trong phòng mổ. Không phải là các bác sĩ phẫu thuật chỉ trích tôi mà là những người nghiên cứu cơ bản. Tôi biết nhiều người trong số này chưa bao giờ thấy một loại ung thư ở một nơi nào đó khác hơn là trong ống nghiệm. Tôi biết rằng họ không thấy những gì mà tôi đã thấy. Sự kiện các bướu phát triển theo ba chiều trong không gian cần có mạch máu trong mắt, trong màng bụng, trong tuyến giáp hoặc ở một nơi nào khác trong cơ thể. Tất cả các khái niệm về bệnh ung thư in situ (ở đúng chỗ của nó) và các bướu ở trạng thái tiềm tàng, tất cả các hình ảnh ấy tôi đều đã được chứng kiến. Do đó tôi tự tin cho rằng các ý nghĩ của tôi đều đúng và phải mất rất nhiều thời gian để người ta chấp nhận.”

       Thí nghiệm nối tiếp thí nghiệm, Judah Folkman tiếp tục thiết lập các điểm then chốt của lý thuyết mới về ung thư.

  1. Các vi bướu không thể chuyển thành ung thư nguy hiểm nếu không có một hệ thống mạch máu để nuôi dưỡng chúng.
  2. Trong mục đích này các vi bướu sẽ tiết ra một chất mà ông đặt tên là angiotensin – chất tạo mạch máu, bắt buộc các mạch máu tiến về phía nó và cho mọc thêm những nhánh mới với tốc độ ngày càng lớn.
  3. Các tế bào của bướu lan tỏa cùng khắp cơ thể (tế bào di căn) sẽ không nguy hiểm một khi đến phiên chúng, chúng không thể kéo những mạch máu về phía chúng.
  4. Các bướu lớn sẽ trở thành tế bào ung thư nhưng giống như một vương quốc thuộc địa, các bướu lớn sẽ ngăn không cho các tế bào di căn ở xa phát triển bằng cách tiết ra một chất khác chặn đứng sự phát triển của các mạch máu, chất này được đặt tên là angiostatin (chất chặn đứng sự phát triển của các mạch máu). Điều này giải thích tại sao các tế bào di căn thình lình lớn lên khi bướu chính đã được lấy ra sau phẫu thuật.

       Mặc dù cũng đã có nhiều thí nghiệm ủng hộ lý thuyết bệnh ung thư trên, ý nghĩ này vẫn được đánh giá là quá đơn giản và quá thơ mộng. Nhất là đối với một cộng đồng khoa học người ta chỉ xem trọng khi nào nó chưa làm rõ cơ chế kiểm soát sự hoàn thành các mạch máu do các bướu ung thư gây ra. Nếu có thật chất angiogenin (tạo mạch máu) và angiostatin (chặn đứng sự tạo mạch máu) thì phải chứng minh sự hiện hữu của các chất này.

 

       Tìm kim trong một bó rơm:

       Judah Folkman không chịu đầu hàng trước các lời chỉ trích và không bao giờ mất lòng tin về khả năng một ngày nào đó các đồng nghiệp bắt buộc phải công nhận lý thuyết của ông với điều kiện là ông tìm được các chứng cớ đầy đủ. Có lẽ ông đang nghĩ đến câu châm ngôn của ông Schopenhauer, theo đó bất cứ một chân lý mới nào cũng phải trải qua ba giai đoạn: đầu tiên bị chế giễu, sau đó bị chống đối kịch liệt để cuối cùng được công nhận. Do đó ông đi tìm bằng chứng sự hiện hữu các yếu tố có thể làm ngăn chặn sự phát triển của mạch máu. Nhưng làm sao tìm được chất này trong hàng ngàn protein do các bướu ung thư tạo ra. Điều này khó khăn như tìm một cây kim trong bó rơm. Sau nhiều năm làm việc với rất nhiều thất bại, Judah Folkman tuyệt vọng gần như phải bỏ thì thần may mắn đã mỉm cười với ông.

       Michael O’Reilly, một phẫu thuật viên nghiên cứu trẻ, làm việc trong phòng nghiên cứu của ông Folkman, có ý nghĩ tìm chất angiostatin trong nước tiểu các con chuột kháng ung thư. Sự kiên trì của Michael chẳng kém gì ông và sau 2 năm học hàng trăm lít nước tiểu của chuột (mùi rất khó chịu) cuối cùng anh đã tìm được protein chặn đứng sự hình thành của mạch máu mới (của một phôi gà con có mạch máu đang phát triển nhanh). Thời khắc công nhận chân lý đã điểm. Ta có thể thử trên sinh vật xem chất angiostatin này có chặn đứng được sự phát triển của ung thư trong một cơ thể sống hay không? O’Reilly lấy 20 con chuột, ghép trên lưng mỗi con các tế bào ung thư thuộc loại rất mạnh thì các tế bào di căn này phát triển rất nhanh trong phổi chuột sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ bướu chính. Ngay sau khi cắt bỏ bướu này, ông tiêm chất angiostatin vào một nửa số chuột đã có triệu chứng mắc bệnh. Đã đến lúc kiểm tra sự đúng đắn của lý thuyết này.

       Judah Folkman biết rằng ngay cả khi có kết quả dương tính cũng sẽ không ai tin ông, nên ông đã mời tất cả những nhà nghiên cứu ở cùng tầng đến dự hồi kết thúc. Trước con mắt chứng kiến của rất nhiều người, O’Reilly đã mổ lồng ngực các con chuột không được tiêm chất angiostatin, phổi những con chuột này đen ngòm, hoàn toàn bị gặm nát bởi các tế bào di căn. Sau đó ông mổ ngực lần lượt tất cả các con chuột khác đã được tiêm chất angiostatin và con chuột này không có vẻ gì là bệnh. Phổi của con chuột này hoàn toàn màu hồng và lành lặn, không thấy một dấu hiệu gì của bệnh ung thư. Không tin vào mắt mình, ông tiếp tục mổ ngực lần lượt tất cả các con chuột khác không được tiêm angiostatin, tất cả đều bị các tế bào ung thư cấu xé ngấu nghiến còn những con chuột có tiêm angiostatin đã hoàn toàn lành bệnh. Năm 1994 sau 20 năm bị chế giễu, làm nhục, kết quả này đã được công bố trên tạp chí Cell(46) và ngay sau đó chất angiostatin đã trở thành một trong các mục tiêu chính trong các công trình nghiên cứu ung thư.

 

       Một phát minh hết sức đặc biệt:

       Sau này ông Folkman đã có thể chứng minh rằng tiêm angiostatin có thể chặn đứng được sự phát triển của nhiều loại bệnh ung thư, kể cả ung thư bắt nguồn từ con người đem ghép cho chuột. Trước sự ngạc nhiên của mọi người khi ngăn không cho tạo ra mạch máu mới, bướu ung thư cũ nhỏ lại giống như sự tấn công của thống chế JouKov trên các đường tiếp tế của quân đội phát xít Đức, các bướu ung thư mất các nguồn tiếp tế sẽ tan chảy và trở lại kích thước rất nhỏ (chỉ có thể thấy qua kính hiển vi) đã trở thành hoàn toàn vô hại. Hay hơn nữa là chất angiostatin chỉ tấn công vào các mạch máu tạo ra rất nhanh chóng mà không chạm đến các tế bào có sẵn. Chất angiotensin cũng không tấn công vào các tế bào lành mạnh của cơ thể, trái với các phương pháp điều trị ung thư cổ điển như hóa trị và xạ trị. Nói theo kiểu nhà binh, chất angiostatin không gây thiệt hại cho các đơn vị bạn. Quả thật đây là cách tiếp cận ít tổn hại hơn nhiều so với phương pháp hóa trị liệu. Tạp chí Nature sau khi tường thuật các kết quả trên đã kết luận phương pháp làm cho các bướu ung thư sơ cấp suy thoái mà không có tác dụng độc hại đối với cơ thể là một kết quả trước đây chưa bao giờ được mô tả. Mặc dù đó là một cách nói súc tích đặc thù của ngôn ngữ khoa học, nhưng đấy là dấu hiệu của một sự hưng phấn tột độ đối với một phát minh vĩ đại.

       Sau hai bài báo trên, Folkman và O’Reilly đã xác định một cách dứt khoát vai trò của Angiogenèse (tạo thành các mạch máu) trong sự chuyển hóa của ung thư và đã biến đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về cách điều trị bệnh ung thư nếu có thể kiểm soát bệnh bằng cách tấn công vào các con đường tiếp tế của ung thư, vậy ta còn phải nghĩ đến phương pháp dài hơi chặn đứng mưu toan của các bướu tạo ra mạch máu mới, như trong chiến thuật quân sự, ta có thể kết hợp phương pháp này với những phương pháp nhọn hơn như hóa trị và xạ trị. Nhưng ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài và phải nghĩ đến phương pháp điều trị các bướu đang ngủ nhằm tránh sự xuất hiện của bướu đầu tiên cũng như sự tái phát bệnh sau lần chữa bệnh đầu tiên và chống sự bùng dậy của các tế bào di căn sau khi đã được phẫu thuật.

 

       Các cách bảo vệ tự nhiên ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới:

       Ngày nay đã có nhiều loại thuốc tương tự chất angiostatin (như chất avastin) đang được phát triển bởi công nghệ dược nhưng tác dụng của các loại thuốc này trong cơ thể con người khi chỉ dùng riêng loại thuốc ấy lại đáng thất vọng. Nếu chúng làm chậm sự phát triển của một số ung thư và có khi làm lùi lại một số bướu một cách ngoạn mục trên chuột thì kết quả với người không được tốt như vậy. Ngoài ra, mặc dù có thể chấp nhận các loại thuốc này tốt hơn các thuốc chống ung thư thường dùng trong hóa trị, chúng cũng có các tác dụng phụ phiền toái hơn ta tưởng. Như vậy cũng chưa phải là thứ thuốc kì diệu (phép màu) mà ta mong đợi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ung thư là một bệnh đa phương khó có thể bị khuất phục bởi một sự can thiệp duy nhất. Giống như phương pháp trị liệu HIV (Sida), cần thiết phải phối hợp nhiều cách tiếp cận mới có được kết quả như ý.

       Tuy nhiên việc làm chủ hiện tượng angiogenese (tạo mạch máu mới) không phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi phương pháp điều trị ung thư. Không đợi sự ra đời một loại thuốc kì diệu, chúng ta có sẵn một số biện pháp can thiệp tự nhiên có tác dụng rất mạnh trên hiện tượng tạo mạch máu mới mà hoàn toàn không có tác dụng phụ, các phương pháp này có thể kết hợp với cách điều trị quy ước đó là:

  1. Dùng những thực phẩm đặc trưng có nhiều hợp chất tự nhiên đã được tìm thấy như các loại nấm ăn thông thường, một số rau thơm dùng trong nấu ăn.
  2. Tất cả những gì làm giảm viêm, nguồn gốc của sự tạo thành các mạch máu mới.

       Bệnh ung thư là một hiện tượng hấp dẫn và tai ác biết sử dụng một trí thông minh đáng ngại, có khả năng mượn các tiến trình sống để lật đổ chúng và sau cùng làm chúng quay lại chống với nó. Các nghiên cứu gần đây đã cho phép ta hiểu rõ hơn sự lái qua một con đường khác của các tiến trình trong cơ thể đã được các tế bào ung thư thực hiện như thế nào. Để tạo ra viêm hay những mạch máu, ung thư bắt chước khả năng cơ bản của cơ thể tự tái tạo nhưng nhằm một mục đích hoàn toàn trái ngược – làm hủy hoại sức khỏe là hình ảnh trái ngược với sức sống của cơ thể chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng bất khả xâm phạm. Nó cũng có những nhược điểm mà hệ thống miễn nhiễm của chúng ta sẽ biết khai thác. Ở tiền đồn của hệ thống phòng thủ là các tế bào miễn nhiễm, trong đó các tế bào sát thủ nổi tiếng NK là một đạo binh hóa học đáng gờm, có thể qua thời gian hủy diệt ung thư ngay trong trứng. Các kết quả đều hội tụ tại một điểm: tất cả các nhân tố nào làm tăng cường các bạch huyết cầu quý báu của chúng ta thì sẽ ngăn chặn sự phát triển của các bướu bằng cách kích thích các tế bào miễn nhiễm của chúng ta và bằng cách chống lại viêm. Do thức ăn, hoạt động thể chất hay kiểm soát các xúc động; ta có thể chống lại hiện tượng tạo mạch máu mới, chúng ta sẽ cắt cỏ dưới chân của đoàn binh ung thư song song với các sự can thiệp của y học. Mỗi người trong chúng ta có thể tăng hoạt các khả năng tiềm tàng của mình. Cái giá phải trả là tạo ra một cuộc sống có nhận thức, có mục đích, cân bằng và tươi đẹp hơn.

 

 (Nguồn tài liệu: Servan - Schreiber, 2011. Anti Cancer.  NXB Trẻ).

      .MEDIC ĐÔNG TÂY.