HÌNH 4

Thông tin Y dượcTim - mạch - bệnh chuyển hóa - tai biến mạch máu não

BẠN ĐÃ BIẾT GÌ VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (TIỂU ĐƯỜNG)?

            

Đái tháo đường, hay còn được gọi là tiểu đường là bệnh lý đang phổ biến trong thời đại ngày nay.

     Các bệnh nhân đến tôi khám bệnh với muôn hình vạn trạng các dấu hiệu gợi ý căn bệnh này. Từ đơn giản và tinh tế nhất, tưởng chừng không hề liên quan đến tiểu đường như: cảm giác châm chích lòng bàn tay bàn chân mỗi sáng sớm, tiểu đêm, ngứa âm hộ (ở nữ giới), liệt dương (ở nam giới); đến những triệu chứng rõ ràng như người gầy đi nhanh, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt hay bị kiến bu...

     Thậm chí có những bệnh nhân đến với những biến chứng cấp tính như hạ đường huyết (xỉu, tay chân lạnh, hôn mê...), mê sảng, suy thận cấp (đột ngột không tiểu được, phù, tăng huyết áp...); hay biến chứng mạn tính như: loét chân không lành, các vết thương khó lành, mất cảm giác tay - chân, nhìn mờ hay không nhìn thấy hẳn, suy thận mạn tính (phù, tiểu đục, tăng huyết áp...)...

     Vậy, thực hư bệnh đái tháo đường (hay bệnh tiểu đường) là bệnh gì? Vì sao chúng ta lại mắc bệnh? Làm cách nào biết được là đã bị bệnh? Và bệnh nhân cần phải chú ý những gì khi bị bệnh này? ...

     Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nay Medic Đông Tây sẽ cùng quý vị lần lượt lật mở, tìm hiểu thật kĩ về căn bệnh này.

     Đầu tiên, bệnh đái tháo đường là gì? Đó là tình trạng tăng đường huyết mạn tính, tiến triển, không hồi phục. Bệnh gây ra do các tế bào của tuyến tụy bị hủy hoại, khiến nó không sản xuất được Insulin – type I (chất giúp ổn định đường huyết & khiến các cơ quan sử dụng đường trong máu một cách hợp lý), hoặc khi tế bào tuyến tụy vẫn bình thường, nhưng đường huyết trong máu cứ tăng cao lặp đi lặp lại làm cho các công cụ tiếp nhận Insulin tại các tế bào bị lờn, gây ra bệnh – type II.

     Một khi đã mắc bệnh, người bệnh phải liên tục chịu sự kiểm soát & dùng thuốc tây y hoặc đông y để khống chế sự tăng đường huyết thái quá, có thể gây nên các biến chứng tai hại.

     Bệnh nhân hỏi, "làm sao tôi biết chắc chắn mình có bị tiểu đường không, do việc dùng thuốc cả đời, tôi cần một sự chắc chắn.".
     Thắc mắc của bệnh nhân này, âu cũng là điều tất cả chúng ta cần biết rõ để có thể biết sớm & điều trị đúng bệnh mình nếu có.

     Trên thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, từ việc ăn bữa ăn chứa nhiều tinh bột, căng thẳng, tức giận, hay một bệnh cấp tính (nhiễm trùng, chấn thương, ...) đều có ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết tức thời - lượng đường được đo nhanh bằng giọt máu ở đầu ngón tay vào sáng sớm (sau bữa ăn cuối cùng 8 tiếng). Chính vì nhiều yếu tố ảnh hưởng như vậy, nên con số đường huyết này không được dùng để xác định có bị tiểu đường hay không, mà chỉ dùng để theo dõi đường huyết ở người đã bị tiểu đường rồi mà thôi.

     Người bệnh chỉ được xác định chính xác là bị tiểu đường khi cả 3 chỉ số: đường lúc đói, đường 2h sau uống 75 g Glucose và HbA1C (một chỉ số thay đổi mỗi 3 tháng) đều vượt quá ngưỡng ở một mức xác định. Cụ thể là theo tiêu chuẩn của hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2010 là:
       - Đường lúc đói ≥ 126 mg/100 ml máu.
       - Đường 2h sau uống 75 g Glucose ≥ 200 mg/ 100 ml máu.
       - HbA1C ≥ 6.5.

     Và từ đây, có thêm một khái niệm nữa là "rối loạn dung nạp đường" là những người có đường huyết 2h sau uống 75g Glucose trong giới hạn từ 140 - 200 mg/ 100 ml máu. Những người này tại thời điểm đo chưa mắc bệnh, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh trong 5 năm sắp tới cao hơn nhiều lần so với những người có mức đường 2h sau uống 75g Glusoce < 140 mg/ 100 ml máu.

     Và sau khi đã xác định xem thực sự mình có bị tiểu đường không, thì bước tiếp theo chúng ta cần phải chú tâm là việc theo dõi đường huyết để tránh tình trạng đường tăng quá cao hay hạ quá mức gây ra các biến chứng.

     Quý vị có thể đo đường huyết cùng với đo huyết áp (vì bệnh tiểu đường và cao huyết áp luôn là đôi bạn đồng hành với nhau) mỗi buổi sáng khi thức dậy, vào cùng một giờ để theo dõi thật chính xác. Ngoài ra, mỗi khi cảm thấy mệt, nhìn mờ, vã mồ hôi, nóng mặt, tê mặt, tê tay chân, buồn nôn, tay chân lạnh, chóng mặt, quý vị nên đo lại đường huyết và cả huyết áp, và báo ngay cho bác sĩ của quý vị về những bất thường cùng các chỉ số đo được, nhằm hạn chế đến mức tối đa những biến chứng có thể xảy ra.

      

 

 

 

     Bài viết liên quan:

     - Ăn nhiều đường sẽ mắc bệnh tiểu đường?

     - Các yếu tố liên quan đến đái tháo đường?

     - Đái tháo đường có mấy tuýp?

     - Những biến chứng của đái tháo đường?

     - CHDOTA tác động lên đường huyết theo cơ chế nào?