HÌNH 4

Thông tin Y dượcTư vấn y học

BỆNH LOÃNG XƯƠNG.


       "Tôi đi đo và được biết tôi bị loãng xương. Khi để bàn tay trong máy đo thì kết quả ra là 6 lần thay vì 10 lần. Tôi muốn hỏi bác sĩ là tôi bị loãng xương như vậy là liệu có bị suốt đời không? Tôi cũng chỉ được thuốc uống với liều lượng một viên một tuần thôi. Tôi cũng muốn hỏi bác sĩ như vậy thì tôi phải uống thuốc suốt đời hay như thế nào?"

       ĐÁP:

       1) Bệnh loãng xương là một bệnh về biến dưỡng lũy tiến (progressive metabolic disease), trong đó mật độ xương giảm xuống quá thấp.

       Mật độ chất khoáng trong xương, hay gọi ngắn là “mật độ xương” (bone mineral density, BMD) có nghĩa là lượng xương trong một đơn vị diện tích hoặc thể tích xương. Mật độ này giảm thì cơ cấu (structure) của xương yếu đi, sức chịu đựng của chúng giảm đi, và xương dễ bị gãy mặc dù bị chấn thương không đáng kể lắm, nhất là gãy ở các đốt sống vùng ngực (thoracic spine), vùng eo lưng (lumbar spine), xương háng (hip fracture), và xương cổ tay (wrist fracture). Ở người già gãy xương khớp háng (hip fracture) dễ gây tật nguyền, phải bất động lâu và khả năng gây tử vong cao.

          

 

 

 

 

 

 

 

 



       2) Việt Nam : “ở TPHCM và Hà Nội, ở những người trên 50 tuổi, cứ 10 phụ nữ thì có khoảng 3 người bị loãng xương; ở nam, cứ 10 người thì có 1 người bị loãng xương. Dùng số liệu dân số của Việt Nam năm 2010, hiện nay có khoảng 2 triệu nữ và nửa triệu nam trên 50 tuổi đang trong tình trạng loãng xương” (Nguyễn Văn Tuấn). Ở Mỹ, người ta ước chừng 12 triệu người mắc chứng loãng xương. (USPSTF, Nhóm Đặc Nhiệm Dịch Vụ Phòng Ngừa Hoa Kỳ).

       3) Xương chúng ta là một bộ phận sống động, và thay đổi liên tục theo thời gian và theo nhu cầu cơ thể. Có những tế bào xương gọi là osteoblast có nhiệm vụ phá huỷ xương cũ bỏ đi và thải calcium (vôi) vào dòng máu, và những tế bào xương gọi là osteoblast phụ trách xây dựng xương mới, dùng calcium lấy trong dòng máu.

       4) Trong đời người, mật độ xương tăng dần cho đến lúc chừng 20 - 30 tuổi là lúc xương "đặc" nhất. Được chừng 10 năm, sau đó mật độ xương sẽ giảm từ từ, ở đàn bà nhiều hơn đàn ông, mỗi năm giảm 0,3 - 0,5%. Ở người phụ nữ, mật độ xương giảm nhanh hơn một phần do phụ nữ có thai và cho con bú, phải chia sẻ nguồn calcium của cơ thể mình với thai nhi, con cái. Sau khi tắt kinh, trong vòng 5 - 7 năm, mỗi năm lượng xương (bone mass) giảm nhanh hơn gấp 10 lần (3 - 5%).

       5) Ở Mỹ, USPSTF cũng như Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) khuyến cáo phụ nữ trên 65 tuổi nên đo mật độ xương (bone densimetry) truy tầm loãng xương (osteoporosis screen), ngoại trừ những phụ nữ có yếu tố nguy cơ khác, cần screen sớm hơn. Đàn ông chưa được USPSTF khuyến cáo thử screening loãng xương, do chưa có bằng chứng là có lợi rõ rệt.

•    Dùng quang tuyến X, bằng phương pháp "Dual Energy X Ray Absorptiometry (DEXA scanning, máy hấp thu hai tia năng lượng). Người ta so sánh mật độ xương bệnh nhân với mật độ xương của người trẻ 20 - 30 tuổi, và tính ra một chỉ số T (T score). Nếu chỉ số T nhỏ hơn -2.5 (< -2.5) thì kết luận là loãng xương.

•    Định bệnh bằng siêu âm (quantitative ultrasonography) được xem không đủ chính xác để dùng quyết định trị liệu.

       6) Yếu tố nguy cơ (risk factors):

       Người phụ nữ có kinh lần đầu muộn, hoặc tắt kinh sớm dễ bị loãng xương hơn.


       Những yếu tố cơ nguy khác:

•    Người da vàng và da trắng có bone mass thấp hơn người da đen.
•    Người gầy (ốm).
•    Thiếu vận động, vì sức khoẻ xương muốn được bảo vệ cần phải có stress trên các xương đó; có nghĩa là chúng ta phải cho xương chúng ta "làm việc", chịu đựng sức nặng, sức kéo bằng cách hoạt động cơ thể thường xuyên... Cho nên những người phải nằm bất động lâu một chỗ, những người ít lao động, tập luyện thể lực dễ bị loãng xương hơn.
•    Ăn uống thiếu các chất calci, phosphate, Vitamin D, quá nhiều vitamin A.
•    Hút thuốc lá, uống rượu, uống cà phê quá nhiều.

       7) Cho nên tập thể thao, hoạt động cơ thể thường xuyên (chừng 30 phút mỗi ngày), ăn uống đầy đủ, không thái quá, (quá nhiều thịt cũng không tốt, ăn chay tốt cho sức khoẻ xương), uống thêm vitamin D, Cacium, phosphate có thể giúp cho sức khoẻ xương.

                             

       Gần đây Viện Y Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo (RDA: Recommended Daily Allowance; cao hơn trước):
•    Vitamin D: 1 - 70 tuổi: 600 IU (đơn vị quốc tế)/ ngày.
•    Trên 70 tuổi: 700 IU/ ngày.
•    Trên 9 tuổi: giới hạn an toàn tối đa 4.000 IU/ ngày.
•    Calcium: 700 mg (trẻ em dưới 3t) - 1.300 mg/ ngày (phụ nữ có thai, cho con bú); tuỳ tuổi. Đàn ông 51 - 72 tuổi 1.000mg/ ngày; đàn bà 1.200 mg.

       8) Thuốc nhóm bisphosphonate là thuốc hàng đầu (first line treatment) chữa loãng xương. Thuốc làm giảm tiêu xương (bone resorption) và giảm thiểu gãy xương đốt sống và xương háng (hip fracture) chừng 50%. [Fosamax (alendronate), Actonel (risedronate), Boniva (ibandronate), Atelvia (risedronate delayed release), Didronel (etidronate), Skelid (tiludronate)].

       Ví dụ thuốc alendronate (‘Fosamax”) uống mỗi ngày 1 viên 10mg, hoặc 1 viên 70 mg mỗi tuần.

       Biến chứng: thuốc có thể gây nhức xương, gãy xương đùi (thigh bone fracture/ fracture of the diaphysis of the femur), do thuốc biến đổi cơ chế thay xương cũ bằng xương mới.

       Có những khảo cứu gần đây cho thấy thuốc biphosphonate tăng nguy cơ ung thư thực quản (oesophageal cancer), nhất là nếu dùng thuốc 5 năm trở lên.

       Hiện nay, người ta khuyên không nên dùng thuốc loại bisphosphonate quá 5 năm, vì dùng lâu có thể hại nhiều hơn lợi. Hơn nữa, thuốc uống vào, còn tồn tại trong xương cả chục năm. Trong một số trường hợp hiếm, các bisphosphonate có thể gây hoại tử xương hàm (osteonecrosis of the jaw). Nếu bệnh nhân định nhờ nha sĩ giải phẫu, nhổ răng, cần cho nha sĩ biết mình đang dùng bisphosphonate.

       9) Cần để ý những điểm sau đây, vì thuốc bisphosphonates có thể gây hại cho thực quản:

- Uống buổi sáng sớm lúc mới dậy, chưa ăn uống gì.
- Không uống thước lúc sắp đi ngủ lúc chưa ra khỏi giường.
- Chỉ dùng nước lã (nước lạnh), uống 180 - 240 ml nước (chừng 1 ly trung bình). Không dùng trà, nước trái cây, nước ngọt, cà phê...
- Trong vòng 30 phút sau đó, không ăn không uống gì khác, kể cả thuốc vitamin, thuốc bao tử. Không được nằm xưống, phài ngồi thẳng lưng, đứng thẳng 30 phút, ăn sáng xong mới được phép nằm xuống nếu cần.

Theo VOA.

 

       

 

 

       Bài viết liên quan:

       - Bệnh loãng xương.

       - Anti Oster tác động lên cấu trúc xương như thế nào?

       - Corticoid & bệnh loãng xương.