HÌNH 4

Thông tin Y dượcTư vấn y học

BUỔI TƯ VẤN CHO NGƯỜI CAO TUỔI VỀ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP VÀ CÁC BIẾN CHỨNG.

 

       Hôm nay, cháu lấy làm vinh dự khi đến đây cùng trò chuyện với các cô, các bác về "Bệnh tăng huyết áp (THA) và các biến chứng". Cô bác nào biết bệnh tăng huyết áp là gì không ạ?

       Người cao tuổi (NCT): Thưa BS bệnh THA là sao ạ? Có phải là cao huyết áp không ạ?

       BS: Thưa các bác, trước đây gọi là bệnh cao huyết áp, nhưng hiện nay Tổ chức y tế thế giới gọi là bệnh THA.

 

       NCT: Thưa BS, làm sao biết được mình bị bệnh THA?

       BS: Để biết mình có bị THA hay không, các bác nên đến cơ sở y tế hoặc phòng mạch BS để đo huyết áp bằng máy đo huyết áp. Để cho chính xác, trước khi đo huyết áp chúng ta nên nằm nghỉ ngơi ít nhất 15 phút, nếu đo thấy cao cũng chưa thể kết luận là cao huyết áp.

 

       NCT: Tại sao vậy BS?

       BS: Các bác phải đo vào 3 thời điểm khác nhau trong 3 ngày liên tiếp, nếu thấy chỉ số huyết áp vẫn cao thì mới kết luận là THA.

 

       NCT: Thưa BS, chỉ số bao nhiêu gọi là cao ạ?

       BS: Khi đo huyết áp thấy chỉ số >= 140/90 mmHg là xem như cao. Số trên 140 gọi là huyết áp tâm thu (tâm thu có nghĩa là lúc tim bóp lại) là áp lực của máu lên thành mạch lúc tim đẩy máu đi, còn số dưới 90 là là huyết áp tâm trương (tâm trương có nghĩa là tim giãn ra) là áp lực của máu lên thành mạch lúc tim giãn ra để thu máu về.

 

       NCT: BS ơi, THA có triệu chứng gì không ạ?

       BS: Dạ thưa, có một số trường hợp cảm thấy đau đầu sau gáy, nóng bừng mặt, bứt rứt, bực bội, mất ngủ, hay cáu gắt,… nhưng phần lớn không có triệu chứng gì cả, chỉ phát hiện do đi khám bệnh và đo huyết áp thấy cao.

 

       NCT: BS ơi, do đâu mà bị THA ?

       BS: Thưa các bác, theo nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới, trên 90% THA không có nguyên nhân và thường xảy ra ở người lớn tuổi, số còn lại khoảng gần 10% có nguyên nhân như bị bệnh tim mạch, suy thận, bệnh đái tháo đường (ta hay gọi là bệnh đái đường), cường giáp, xơ vữa mạch máu và thường xảy ra ở người trẻ < 40 tuổi.

 

       NCT: Thưa BS, vậy phòng ngừa bệnh THA ra sao ạ?

       BS: Thưa các bác, để phòng ngừa bệnh này, chúng ta không nên có thói quen ăn mặn vì ăn mặn lâu ngày sẽ bị giữ nước dễ gây THA, không nên hút thuốc lá vì hút thuốc lá lâu ngày dễ bị xơ vữa mạch máu dẫn đến THA…

 

       NCT: BS ơi, tôi hay đau đầu quá, không biết có bị THA hay không?

       BS: Thưa bác, đau đầu có rất nhiều nguyên nhân, để biết có THA hay không bác nên đến cơ sở y tế để khám tìm nguyên nhân và kiểm tra huyết áp xem có cao hay không.

 

       NCT: BS ơi, trước đây tôi có bị cao huyết áp và tôi có uống thuốc tây một thời gian thấy hết bệnh nên tôi ngưng không uống nữa, có sao không ạ?

       BS: Thưa bác, huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch máu, trước đây bác đã uống thuốc trị bệnh tăng huyết áp thì giờ bác phải đi khám lại để uống tiếp chứ không nên ngưng luôn vì một thời gian sau khi ngưng thuốc huyết áp sẽ tăng trở lại.

 

       NCT: BS ơi, trước đây tôi uống thuốc Tây trị cao huyết áp có màu vàng vàng, giờ uống loại khác được không ạ?

       BS: Thuốc vàng vàng mà bác mô tả có lẽ là Nifedipin, để cho chắc bác nên mang vỉ thuốc đến đây để cháu xem, thuốc này có nhược điểm là khi uống lâu dài làm tăng nhịp tim, nên để đổi thuốc khác bác nên đến khám lại để BS xem loại thuốc nào phù hợp với bác.

 

       NCT: Thưa BS, trước đây tôi bị cao huyết áp, giờ lớn tuổi thấy mắt bị mờ và có dấu hiệu như ruồi bay trước mắt, vậy là sao hở BS?

       BS: Thưa bác, có thể đó là biến chứng của bệnh tăng huyết áp lên mắt của bác, làm cho mắt bị phù gai thị, nếu nặng có thể xuất huyết võng mạc, bác nên đến bệnh viện để được khám bệnh.

 

       NCT: BS ơi, gần đây tôi khó ngủ, hay cáu gắt với con cháu, mỗi lần bực tức lên là cảm thấy nặng ngực trái, đôi khi khó thở là sao ạ?

       BS: Bác có dấu hiệu của bệnh THA và biến chứng của THA lên tim mạch, bác nên đến bác sĩ khám bệnh, xét nghiệm máu, đo điện tim, nếu thấy cần thiết bác sĩ sẽ cho bác siêu âm tim để điều trị cho bác.

 

       NCT: BS ơi, tôi trước đây bị cao huyết áp hơn 10 năm rồi, cũng đi khám bệnh và uống thuốc thường xuyên, nhưng gần đây tôi thấy tự nhiên nửa người bên trái bị tê rần, cảm giác hơi yếu rồi hết, vậy là sao hở BS?

       BS: Thưa bác, bệnh THA là bệnh rất phổ biến hiện nay, bệnh này gây ra nhiều biến chứng cho các cơ quan khác như biến chứng ở mắt gây phù gai thị, xuất huyết võng mạc, biến chứng ở tim gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim như trường hợp của 2 bác vừa rồi, còn trường hợp của bác là biến chứng ở não là thiếu máu não, nếu nặng hơn là tai biến mạch máu não (gồm: nhũn não, xuất huyết não) dẫn đến liệt nửa người, có khi tử vong.

 

       NCT: Thưa BS, còn biến chứng nào nữa không ạ?

       BS: Còn 1 biến chứng nữa là ở thận gây suy thận cấp tính hoặc mãn tính.

 

       NCT: BS ơi, vậy có phải kiêng cử gì ạ?

       BS: Thưa các bác, đối với chế độ ăn thì nên ăn nhiều rau, trái cây, vì trong rau có nhiều chất xơ rất có lợi cho cơ thể, ăn giảm muối, giảm mỡ, chất béo, chất ngọt.

              Đối với chế độ sinh hoạt: nên tránh thức khuya, tránh lo âu, buồn bực thái quá, tránh cáu gắt giận dữ, nên vui vẻ với con cháu, với mọi người chung quanh, cố gắng ngủ tốt, tránh trèo lên cao vì dễ chóng mặt gây té ngã, nên vận động vì người ít vận động dễ bị bệnh đái tháo đường, dễ bị tăng cân gây xơ mỡ mạch máu dẫn đến tăng huyết áp.

              Nên tập dưỡng sinh, tập thể dục điều độ, tránh tập những động tác mạnh bạo, căng cứng, mà chỉ tập những động tác nhẹ nhàng, chủ yếu luyện sự dẻo dai, luyện thở.

              Đối với chế độ dùng thuốc: nên đến BS khám bệnh định kỳ ít nhất 2 lần/ năm và dùng thuốc đúng theo chỉ định, không được tự mua thuốc uống hoặc dùng thuốc theo sự mách bảo của người khác vì như thế sẽ không an toàn và dễ bị các tai biến do thuốc và do bệnh THA gây ra.

 

       NCT: Thưa BS, tôi đang uống thuốc tây trị cao huyết áp, nhưng nghe nói uống lâu dài không tốt, vậy tôi có thể chuyển qua dùng thuốc nam được không ạ?

       BS: Bác nên chú ý, thuốc nam chỉ trị được những trường hợp THA nhẹ, còn những trường hợp nặng thì cẩn thận, các bác nên đến khám thêm tại bệnh viện y học cổ truyền, và có thể dùng kết hợp Đông y và Tây y cũng tốt. Hiện nay có một số thuốc nam cũng hỗ trợ điều trị THA khá tốt như cây râu mèo, hoa hoè, dùng dưới dạng sắc uống hoặc uống như nước trà.

 

       BS: Còn bác nào có ý kiến gì nữa không ạ?

       NCT: Rất cám ơn BS đã cung cấp thông tin về bệnh cao huyết áp, chúc BS luôn vui khoẻ, và có nhiều đóng góp cho ngành y.

 

       BS: Cám ơn các bác đã dành thời gian lắng nghe, để kiểm tra xem các bác tiếp thu có tốt không. Cháu xin đố vui có thưởng, ai trả lời nhanh nhất và đúng sẽ được tặng một phần quà của nhà tài trợ. Thưa các bác chỉ số huyết áp bao nhiêu gọi là THA ạ?

       NCT: Tôi xin trả lời ạ.

       BS: Dạ, xin mời bác.

       NCT: Theo như lúc nãy BS nói là >= 140/90 mmHg ạ.

       BS: Dạ thưa các bác, bác nói có đúng không ạ.

       (Cả hội trường đồng thanh): Đúng rồi ạ.

       BS: Cám ơn, bác Hai đã trả lời chính xác, xin gửi bác phần quà ạ. Câu hỏi tiếp theo: bác nào cho biết "người bị THA kèm theo triệu chứng đau nhói ngực trái và hay mệt là biến chứng ở đâu ạ?"

       (Một người cao tuổi giơ tay lên)

       BS: Xin mời bác

       NCT: là biến chứng ở tim.

       BS: Cám ơn bác, bác đã trả lời đúng rồi, kính chúc bác luôn vui khoẻ nhé, và đây là phần quà của bác.


              Thưa các bác, bệnh THA đang gia tăng hàng ngày trong cộng đồng của chúng ta, chính vì vậy rất mong các bác thường xuyên kiểm tra huyết áp để có chế độ ăn, chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, chế độ tập luyện, và chế độ dùng thuốc sao cho hợp lý nhất.        

              Kính chúc các bác sống vui - sống khoẻ và sống có ích, chân thành cám ơn. Hẹn gặp lại các bác ở chuyên đề khác cũng tại hội trường này, lịch sinh hoạt sẽ có thông báo sau và có thư mời gửi đến tận nhà các bác, nếu có thắc mắc gì mà hiện giờ chưa thể nhớ ra, xin các bác gọi đến số máy – 0903 17 10 14 để được hẹn tư vấn ạ!

 

       .MEDIC ĐÔNG TÂY.