HÌNH 4

UNG THƯ VỚI PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐÔNG - TÂY Y.

   Hiện tại tây y có các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật cắt bỏ khối u và những phần xung quanh khối u để tránh tình trạng các tế bào ung thư rơi vãi ở không gian quanh chỗ phẫu thuật sẽ gây tái phát ung thư trở lại do sự sinh sôi nảy nở các tế bào rơi vãi đó.

 

     Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân thường được làm xạ trị chiếu thẳng vào chỗ khối u & không gian xung quanh, mục đích để loại bỏ tất cả các tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này có hạn chế là nó sẽ làm tổn thương, từ chết các tế bào lành của vùng lân cận khối u đến bỏng, thủng cơ quan...

 

     Nặng hơn, khi tế bào ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, phương pháp hóa trị thường được sử dụng để tiêu diệt. Các hóa chất đưa vào cơ thể ngoài đi tìm và tiêu diệt tế bào ung thư, nó cũng tiêu diệt luôn các tế bào lành khác, làm cho các tế bào này cũng bị hủy diệt, và cơ thể con người suy kiệt dần dần. Từ rụng tóc đến tổn thương gan, thận, các tế bào máu...

 

     Ưu điểm như vậy, tuy nhiên các khuyết điểm cũng làm sức khỏe của người bệnh suy yếu đi rất nhiều. Có khi chính các phương pháp này lại làm cho người bệnh tử vong sớm hơn là khi họ bị tế bào ung thư tấn công.

 

     Người bệnh và người thân ngày càng tìm đến các phương pháp điều trị đông y, với tia hi vọng cuối cùng là kéo dài sự sống của người bệnh và mỗi ngày sống của họ thật vui vẻ, nhẹ nhàng. 

 

     Một câu hỏi đặt ra, những loại đông dược hay bài thuốc nào có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư; có phải tất cả những gì được truyền miệng hay các bài thuốc được đăng tải trên các báo mạng lá cải đều có tác dụng chữa ung thư?

 

     Đội ngũ bác sĩ Medic Đông Tây ý thức được hiện trạng này, và cảm thấy cần thiết một sự phân tích chính xác, khoa học về những loại thuốc hay bài thuốc này, để tránh tình trạng tiền mất mà tính mạng người thân cũng không còn.

 

     Ắt hẳn chúng ta nghe và thấy nhan nhản hàng ngày nào là "bài thuốc quý chữa ung thư, hãy áp dụng và share ngay cho người nào mắc bệnh để làm phước"; "bài thuốc gia truyền chữa tận gốc ung thư"; "chồng tôi bị ung thư gan, xuống ông thầy ... hốt thuốc uống hay lắm, chị mau thu xếp thời gian xuống đó bắt mạch, hốt thuốc đi, tôi nói làm phước thôi chứ không có lợi gì cho tôi đâu, cứu một mạng người hơn xây bảy tháp chùa mà"...

 

     Đối với người bệnh, "có bệnh vái tứ phương" thì những lời nói, những câu chữ này như một cái phao để họ bám víu khi đã đứng trước ngưỡng cửa sự sống - cái chết. Tuy nhiên, có mấy ai biết được hậu quả mình phải gánh chịu khi tin vào những thông tin này?

 

    Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ từ "ung thư" trong tây y và đông y khác nhau như thế nào.

 

     Ung thư theo tây y là sự tăng sinh tế bào không kiểm soát được, các tế bào này không tự chết theo lập trình sau một chu kì sống của nó. Những tế bào tăng sinh không hề có chức năng, mà nó chỉ tranh dành thức ăn, máu nuôi cũng như về kích thước nó chèn ép các cơ quan có chức năng khác ở xung quanh nó. Dần dần cơ thể người bệnh là hàng hà sa số các tế bào vô dụng. Ngoài ra, các màng bọc của các cơ quan chứa tế bào ung thư cũng không thể căng dãn kịp với tốc độ sinh sôi của nó, sẽ gây ra tình trạng vỡ các cơ quan, gây xuất huyết ồ ạt. Cơ thể suy dần dần. 

 

     Theo đông y, "ung thư" hiểu nôm na là một dạng nhọt nặng, tích tụ mủ, vi trùng, vỡ ra hoặc không vỡ. Nó hoàn toàn không phải là một khối u với sự tăng sinh tế bào không kiểm soát được như ý nghĩa tây y. Chính vì vậy, các bài thuốc được mệnh danh "chữa ung thư" chỉ đơn thuần là những loại thuốc thanh nhiệt giải độc (có tính kháng vi trùng, giảm viêm, giảm đau). 

 

     Đọc tới đây, quý vị cũng tự rút ra được, các bài thuốc lưu truyền đó có chữa được bệnh ung thư hay không.

 

     Đó là một mặt, về bản chất và cơ chế tác dụng của các vị thuốc hay bài thuốc truyền miệng. Một điều rất quan trọng nữa là tác dụng phụ của các bài thuốc, vị thuốc đó.

 

     Có bệnh nhân nói với tôi, "tôi thích uống thuốc đông y, vì nó chẳng có tác dụng phụ gì, chẳng hại gan thận hay chẳng gây nóng bức, bực bội gì". Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Quý vị phải nhận biết rõ, không có thuốc nào mà không có tác dụng phụ. Mặt phải nào cũng có mặt trái đi kèm với nó.

 

     Tại đây, tôi xin dành một ít thời gian để đưa ra một ví dụ thực tế. Tại khoa huyết học một bệnh viện tuyến trung ương của nước ta, các bác sĩ tiếp nhận bà cụ Đỗ Thị T, 65 tuổi được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên với lý do xuất huyết (chảy máu) tiêu hóa, đi cầu ra phân đen nhánh, hôi tanh (máu bằm), nôn ra máu tươi mỗi lần 1 chén ăn cơm; chảy máu chân răng, chảy máu mũi; bệnh mới 2 ngày. 

 

     Ngày đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, trả lời tốt các câu hỏi của bác sĩ điều trị và các bác sĩ chuyên khoa đang theo học tại đây. 

 

     Ngày thứ hai bà cụ mệt nhiều, đi phân đỏ tươi dần (lượng máu ngày càng nhiều đến nỗi không chờ được sự oxy hóa ở ruột để trở thành máu bằm), máu mũi & chân răng chảy ngày càng nhiều. Bà không đáp ứng các phương pháp điều trị, mặc dù các bác sĩ rất tận tâm để tìm nguyên nhân bệnh và truyền máu liên tục.

 

     Ngày thứ ba, bà được chuyển vào phòng hồi sức tích cực của khoa (dành cho bệnh nhân rất nặng), lúc này bà thở ngáp cá (thở cà hước không đủ hơi), da trắng bệch, niêm mạc mắt - niêm mạc dưới lưỡi trắng bệch; tay chân lạnh. Bà được tích cực điều trị, nhưng đã không qua khỏi trưa hôm đó.

 

     Vì sao một bà cụ trước đó 1 tuần hoàn toàn khỏe mạnh, còn có nhiều kế hoạch gả con, ẵm cháu lại ra đi vô cùng đột ngột như vậy?

 

     Các bác sĩ chẩn đoán bà bị hội chứng Evans (một bệnh lý máu do có kháng thể chống lại chính hồng cầu và tiểu cầu - tế bào máu đỏ & tế bào giúp cho quá trình đông máu của người bệnh). Nguyên nhân do 5 năm qua bà uống thuốc đông y điều trị đau nhức xương khớp mà không hề đi khám và được cho thuốc bởi bác sĩ, mà chỉ nghe lời người này người kia truyền miệng, đến ông thầy nọ hốt thuốc. Uống vô giảm đau thì có giảm, nhưng đã để lại hậu quả vô cùng là nó tạo ra kháng thể chống lại tế bào máu của bà. 

 

     Nói là thuốc đông y đó tạo ra kháng thể chống lại tế bào máu là nói theo cách nói của tây y. Còn theo đông y là những thuốc đó có tính "phá huyết", tức là khi đưa thuốc vào cơ thể, nó sẽ có tác dụng làm loãng máu, làm cho những u cục trong cơ thể bị rã ra dần dần. Những loại thuốc này, nếu được kiểm soát thật tốt bởi các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền - những người được đào tạo về cả tây y và đông y, biết rõ cách mà thuốc tác dụng, những tác dụng phụ của thuốc đó, và khi nào tác dụng phụ xảy ra; thì sẽ an toàn cho người bệnh. Còn với các thầy lang, gia truyền, không tìm ra tác dụng phụ đồng nghĩa với không có tác dụng phụ; thì rất nguy hiểm cho người bệnh, như trường hợp tôi kể trên.

 

     Một lời khuyên rất chân thành của chúng tôi "Quý vị hãy dùng thuốc một cách khoa học, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mình và người thân".

 

     Quay lại vấn đề điều trị bệnh ung thư bằng thuốc đông y. Theo y học cổ truyền hiện đại, các khối u có thể được thu nhỏ kích thước, giới hạn sự xâm lấn các cơ quan lành không mắc bệnh, ngăn chặn sự thành lập các mạch máu nuôi tế bào ung thư; tăng khả năng chống chọi của người bệnh, giảm đau đớn; cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh; nhưng khéo léo làm sao để chất dinh dưỡng đó nuôi người bệnh mà không nuôi tế bào ung thư; dùng thuốc vào những thời điểm nào để hạn chế tối đa tác dụng phụ. Tất cả những sự uyển chuyển khéo léo đó, các vị có thể có được khi tìm đúng các bác sĩ y học cổ truyền hiện đại để điều trị thật hợp lý bệnh của mình hay người thân.

 

     Mong rằng bài viết này sẽ là một bước tiến đáng kể đối với tất cả chúng ta, về việc nhận thức đúng các thuốc đông y điều trị ung thư nói riêng, và các thuốc đông y điều trị các bệnh lý khác nói chung.

 

.MEDIC ĐÔNG TÂY.