HÌNH 4

DÃN TĨNH MẠCH NÔNG CHI DƯỚI MẠN TÍNH.

   

DÃN TĨNH MẠCH NÔNG CHI DƯỚI MẠN TÍNH:

       Bạn cảm thấy nặng chân tăng sau một ngày làm việc, trải qua một đêm ngủ dậy thì đỡ hẳn; đau nhiều vùng bắp chuối, giảm nếu bạn nằm gác chân cao hơn mặt giường, ngoài ra có thể gặp cảm giác tê như kiến bò, hay co rút cơ bắp chân khiến cho bạn đau đớn; các tĩnh mạch xanh đậm, rõ; hay nổi như bò dưới da, thậm chí nặng có thể loét ở mắc cá chân.

       Nhiều khả năng bạn mắc bệnh lý dãn tĩnh mạch chi dưới (gọi tắt là dãn tĩnh mạch chân) - một vấn đề khá nổi trội trong thời đại hiện nay.


    

     Thường gặp như vậy, có yếu tố nào do lối sống, sinh hoạt hàng ngày của chúng ta đã vô tình làm cho bệnh nặng thêm? Để trả lời câu hỏi này, các bạn hãy cùng Medic Đông Tây đi sâu vào tìm hiểu cơ chế gây nên bệnh lý dãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính:

     Ở chân, có hệ thống tĩnh mạch nông & tĩnh mạch sâu. Và 2 hệ thống tĩnh mạch thông nối với nhau bằng các mao mạch thông nối. Ở tĩnh mạch nông có hệ thống van, giúp ngăn dòng máu từ trên chảy ngược xuống (theo tác dụng của trọng lực), chỉ cho dòng máu chảy từ dưới lên, để đưa máu về tim.

     Nguyên nhân của bệnh lý “Dãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính” là do sự ứ đọng máu ở các tĩnh mạch nông ở cẳng chân (bắp chân), làm cho các tĩnh mạch căng mọng, dãn ra và nổi rõ như con rắn trên da.

     Khi có bệnh, nguyên nhân có thể do các van ở tĩnh mạch nông bị hư (thường được bác sĩ chẩn đoán là "Suy van tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính") làm cho van không ngăn được dòng máu đi xuống theo trọng lực, gây ứ đọng máu ở chi dưới (điển hình ở bắp chân, bàn chân).

     Ngoài nguyên nhân do các van tĩnh mạch bị hư, thì sự ứ đọng còn do có cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu, làm cho máu từ tĩnh mạch sâu dồn qua tĩnh mạch nông (nhờ hệ thống thông nối giữa 2 hệ tĩnh mạch này ở chi dưới). Với nguyên nhân này, ngoài sự khó chịu do dãn tĩnh mạch chân, bạn còn có thể gặp nguy hiểm ở hệ mạch máu toàn thân, vì cục máu đông ở tĩnh mạch sâu có thể theo dòng máu di chuyển đế bất cứ nơi đâu và gây tắc nghẽn tại đó. Thật nguy hiểm nếu nó gây tắc nghẽn tại tim (gây cơn nhồi máu cơ tim cấp) hoặc ở phổi (gây tắc mạch máu phổi).

     

 

     

 

     

     Vậy, đối tượng nào thường có nhiều nguy cơ mắc bệnh? Chính là những người hay duy trì tư thế đứng lâu, ngồi lâu, người đi lại chậm trong một không gian hạn hẹp; phụ nữ có thai. Do những tư thế cũng như sự chậm vận động sẽ làm tăng thêm áp lực lên các van của tĩnh mạch ở chân, làm cho van ngày càng mất chức năng và đôi chân không tạo đủ lực đẩy máu từ chân theo các tĩnh mạch lên tim.

     Các bệnh nhân hỏi tôi, "tôi đã mắc bệnh, khó chịu lắm, phải làm sao để giải quyết?"

     Đầu tiên, người bệnh phải tự ý thức thay đổi lối sống; thoát khỏi lối sống tĩnh tại, tăng tập thể dục, đi bộ nhanh. Mục đích của việc tập luyện giúp tạo một áp lực từ dưới lòng bàn chân hướng lên, giúp đưa máu từ chi dưới (chân) về tim tốt hơn, tránh được tình trạng ứ đọng máu. Bỏ thuốc lá (yếu tố gây tăng cục máu đông trong lòng các tĩnh mạch sâu ở chân) giúp cải thiện bệnh lý.

     Với những khó chịu trước mắt, người bệnh cần đeo vớ được thiết kế riêng cho bệnh dãn tĩnh mạch, vớ bó sát ngăn không cho dòng máu chảy theo hướng trọng lực xuống dưới, giúp giảm ứ đọng máu ở các tĩnh mạch chân.

     Đồng thời, khi ngủ, người bệnh cần gác chân cao hơn đầu nhằm giúp máu ở chân theo trọng lực về tim thuận lợi, giảm sưng phù, giảm tê, đau do ứ đọng máu ở chân.

     Quan trọng nhất, nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa khi cảm nhận được các triệu chứng trên để bác sĩ cho chỉ định siêu âm doppler mạch máu chi dưới, và điều trị đúng, kịp thời, tránh bệnh tái đi tái lại và/ hoặc gây ra biến chứng nặng nề.

     Medic Đông Tây đồng hành cùng quý vị vượt qua những khó chịu do bệnh lý dãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính.

     .MEDIC ĐÔNG TÂY.